VPI dự báo giá xăng giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày 22/5

20/05/2025 - 13:56

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 22/5, giá xăng bán lẻ có thể giảm nhẹ 0,5 - 1,2%, trong khi giá dầu có thể tăng 0,9 - 2,5% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chú thích ảnh

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 96 đồng (0,5%) về mức 19.084 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 235 đồng (1,2%) về mức 19.355 đồng/lít. 

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng tăng 0,9 - 2,5%, cụ thể dầu mazut được dự báo tăng 2,5% lên mức 16.564 đồng/kg, tiếp theo là dầu diesel có thể tăng 1,4% lên mức 17.461 đồng/lít, còn dầu hỏa có thể chỉ tăng 0,9% lên mức 17.375 đồng/lít. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng nhẹ phiên 19/5, trong đó giá dầu Brent biển Bắc tăng 13 xu lên 65,54 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 20 xu lên 62,69 USD/thùng. Trong tuần trước, giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều đã tăng hơn 1%.

Theo nhà phân tích Alex Hodes của công ty dịch vụ tài chính StoneX, diễn biến đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ đã làm giảm hy vọng về một thỏa thuận, vốn có thể mở đường cho việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ và cho phép Iran tăng xuất khẩu dầu thêm 300.000 - 400.000 thùng/ngày. Khả năng gia tăng sản lượng tiềm năng này hiện có vẻ rất khó xảy ra.

Trong khi đó, việc Moody's hạ bậc tín nhiệm của Mỹ đã làm dấy lên những câu hỏi về sức khỏe kinh tế của quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này. Sức ép cũng tăng lên sau thông tin về tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, cũng là quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đã chậm lại.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp Priyanka Sachdeva tại công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova nhận định rằng việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã đặt ra nhiều nghi ngại về triển vọng kinh tế Mỹ, trong khi dữ liệu từ Trung Quốc cũng cho thấy con đường phục hồi kinh tế sẽ còn nhiều "gập ghềnh. Chuyên gia Sachdeva cũng cho rằng việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ có thể không tác động trực tiếp đến nhu cầu dầu mỏ, nhưng lại làm cho tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn.

Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital ở New York dự báo giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục biến động trong tương lai gần khi các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin cập nhật về thuế quan, đàm phán Mỹ - Iran và các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo TTXVN