Vụ án Việt Á: Công, tội phân minh

13/01/2024 - 10:29

Bản án đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân. Tuy nhiên, một số bị cáo có tình tiết giảm nhẹ do đóng góp nhiều trong dịch COVID-19

Ngày 12-1, TAND TP Hà Nội tuyên án 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các bộ, ngành, địa phương.

Cần thiết phải trừng trị

Theo đó, tòa tuyên Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, tổng hợp hình phạt 29 năm tù; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, tổng hợp hình phạt 15 năm tù cùng về 2 tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Với tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 2 bị cáo Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc - cựu bộ trưởng và cựu thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cùng nhận 3 năm tù.

Bản án sơ thẩm đánh giá Phan Quốc Việt thông đồng với nhiều người tại Học viện Quân y, Bộ KH-CN, Bộ Y tế để chiếm đoạt quyền sở hữu kit test COVID-19. Sau đó, Việt bán kit test với giá cao tại 19 tỉnh, thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỉ đồng, gồm 402 tỉ đồng của nhà nước.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, an toàn kinh tế, làm giảm uy tín của các cơ quan liên quan, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Với một số cán bộ, hành vi của họ còn thể hiện suy thoái, băng hoại đạo đức.

Việc truy tố, xét xử các bị cáo là cần thiết nhằm trừng trị những cá nhân đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, cũng khoan hồng, đặc biệt khoan hồng với những cá nhân không hưởng lợi, hoặc hưởng lợi một phần nhỏ.

Các bị cáo tại toaÀ̉nh: Nam Anh

Các bị cáo tại toaÀ̉nh: Nam Anh

Nhiều tình tiết giảm nhẹ

Về tình tiết giảm nhẹ, HĐXX ghi nhận tất cả bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong học tập, công tác. Một số bị cáo còn chủ động bồi thường, khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng.

Riêng Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á cũng có đóng góp công sức, máy móc, trang thiết bị trong quá trình phòng chống COVID-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều địa phương. Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc và các cán bộ Sở Y tế, CDC các tỉnh có liên quan... được đánh giá "có công lao rất lớn", "đặc biệt tích cực", "xung phong trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19".

HĐXX nhận định dịch COVID-19 khiến nhân dân hoang mang, hệ thống y tế và hạ tầng nhiều nơi bị quá tải. Đây là một trong số các nguyên nhân làm phát sinh tội phạm của các bị cáo.

Trong quá trình xét xử, tòa án nhận văn bản từ Công đoàn Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, một số Sở Y tế, CDC nhiều địa phương xin giảm nhẹ cho các bị cáo liên quan bởi bối cảnh phạm tội là tình hình chống dịch cấp bách.

Về tính chất đồng phạm, tòa cho rằng mỗi bị cáo đều tiếp nhận ý chí của nhau, mỗi người là "mắt xích" trong tổng thể sai phạm. Tuy nhiên, họ phạm tội ở mức độ không hoàn toàn khăng khít, không có phân công, thỏa thuận nhiệm vụ cụ thể. Do đó, đây không phải vụ án có tính chất "phạm tội có tổ chức". Riêng Phan Quốc Việt lợi dụng thời điểm COVID-19 để phạm tội nên phải bị áp dụng tình tiết nặng này.

Tòa khẳng định áp dụng mức hình phạt thấp nhất của khung liền kề với một số bị cáo phạm tội nhưng không vụ lợi, phạm tội trong vai trò của người phục tùng, phụ thuộc. Một số người sẽ được áp dụng chế định án treo hoặc tuyên án bằng thời gian tạm giam…

Về dân sự, tòa buộc bị cáo Phan Quốc Việt liên đới bồi thường 402 tỉ đồng thiệt hại tại 21 tỉnh, thành liên quan. Với 788 tỉ đồng mà 193 đơn vị, tổ chức, cá nhân còn nợ Việt Á từ các hợp đồng mua bán kit test, vật tư y tế, tòa tuyên Việt Á có quyền yêu cầu thanh toán trên cơ sở đơn giá đã được xác định từ tài liệu vụ án, là 143.000 đồng/kit test. Nếu có tranh chấp hoặc vấn đề khác, Việt Á và các đơn vị này có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện tại các vụ án dân sự.

Riêng 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này, tổng hơn 142 tỉ đồng, tòa cho rằng "đều là tài sản có được từ việc bán kit test của Việt Á". Do vậy, cơ quan chức năng không trả lại mà tiếp tục kê biên bảo đảm thi hành án cùng các tài sản khác của Phan Quốc Việt.

Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự bị cáo Nguyễn Thành Danh Ảnh: Nam Anh

Miễn trách nhiệm hình sự 1 người

Tòa tuyên Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ KH-CN 14 năm tù; Nguyễn Huỳnh, cựu phó phòng giá, Cục Quản lý Dược (thuộc Bộ Y tế) 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình (thuộc Bộ Y tế) 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (thuộc Bộ Y tế) 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, 13 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ". Tòa còn tuyên bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, 4 năm tù; Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, 5 năm tù cùng tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị cáo khác bị tuyên từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương, được miễn trách nhiệm hình sự. HĐXX đánh giá bị cáo Danh có cống hiến trong chống dịch, dù đã đến tuổi nghỉ hưu song vẫn tiếp tục bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngoài ra, bị cáo "dám nghĩ, dám làm", có những quyết định táo bạo, không vụ lợi, nhiều lần từ chối nhận quà của Phan Quốc Việt. Vì thế, HĐXX đã cân nhắc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt với bị cáo này.

Theo NGUYỄN HƯỞNG (Người Lao Động)