Vũ trụ không dễ chinh phục

27/01/2024 - 15:03

Thời gian vừa qua là giai đoạn không may đối với Nhật Bản và Mỹ trong các sứ mệnh vũ trụ, bao gồm thất bại của tàu mặt trăng Hakuto-R (Nhật) và Peregrine (Mỹ).

Ngày 25-1, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chính thức xác nhận tư thế hạ cánh kỳ lạ của tàu SLIM trong bức ảnh robot Sora-Q đi kèm chụp được là do con tàu này đã đáp lộn ngược trong cuộc đổ bộ mặt trăng 6 ngày trước đó.

Sự cố do một trong các động cơ ngừng hoạt động 30 giây trước khi tiếp đất, khiến các tấm pin mặt trời của SLIM bị lệch tới 90 độ so với hướng dự kiến, nên không tạo ra được năng lượng.

Tuy nhiên, theo ông Shinichiro Sakai, Giám đốc dự án SLIM, sứ mệnh này vẫn là một thành công lớn bởi SLIM chỉ đổ bộ cách địa điểm dự định khoảng 3 - 4 m.

Mục tiêu ban đầu là hạ cánh trong phạm vi chỉ 100 m. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng vì tàu vũ trụ thường được tính toán để hạ cánh trong phạm vi vài km trong các sứ mệnh ngoài trái đất.

Các quan chức đã ưu tiên truyền dữ liệu từ cú hạ cánh về trái đất trước khi SLIM hết pin. Hy vọng khôi phục SLIM có thể tan biến trong ngày 1 - 2 tới, khi màn đêm buông xuống, vì thiết kế của tàu không chịu được đêm trăng lạnh giá.

Tàu đổ bộ SLIM đã hạ cánh trên mặt trăng trong tư thế lộn ngượcẢnh: JAXA

Cùng ngày 25-1, NASA tuyên bố kết thúc sứ mệnh lịch sử của Ingenuity trên sao Hỏa. Ingenuity là tàu đổ bộ robot dạng trực thăng nhỏ, hạ cánh cùng xe tự hành Perseverance với mục tiêu chung là săn tìm sự sống trên hành tinh đỏ vào tháng 2-2021.

Nhiệm vụ chính của Ingenuity chỉ kéo dài 30 ngày nhưng cuối cùng nó đã hoạt động trong 3 năm với tổng cộng 72 chuyến bay, trở thành thiết bị thăm dò bay tầm thấp duy nhất từng hiện diện trên sao Hỏa.

Ngày 18-1, Ingenuity mất liên lạc đột ngột khi hạ cánh trong chuyến bay cuối cùng. Perseverance đã xác định được nó và thiết lập lại liên lạc, song các bức ảnh truyền về cho thấy Ingenuity đã bị hỏng một trong các cánh quạt nên sẽ không bao giờ bay được nữa.

Thời gian vừa qua là giai đoạn không may đối với Nhật Bản và Mỹ trong các sứ mệnh vũ trụ, bao gồm thất bại của tàu mặt trăng Hakuto-R (Nhật) và Peregrine (Mỹ).

Tuy vậy, 2 quốc gia này đang nỗ lực cho các sứ mệnh mới, gần nhất là tàu đổ bộ mặt trăng Nova-C trong sứ mệnh được NASA ký hợp đồng với công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ), dự kiến phóng sớm nhất vào giữa tháng 2-2024.

Trong khi đó, sứ mệnh Artemis 2 đưa người trở lại mặt trăng của NASA sẽ được dời tới cuối năm 2025. Tại Nhật Bản, iSpace - công ty tư nhân sở hữu tàu Hakuto-R - dự tính phóng một tàu cỡ nhỏ mang tên Resilience, chỉ nặng 5 kg, lên mặt trăng vào cuối năm nay.

Tham vọng hơn, vào tháng 10-2024, NASA dự kiến phóng tàu Europa Clipper nhằm tiếp cận "mặt trăng sự sống" Europa của sao Mộc.

Theo ANH THƯ (Người Lao Động)