Vừa thi đỗ lớp 10, nữ sinh cùng mẹ đi đăng ký hiến tạng

04/07/2024 - 07:20

Nữ sinh 15 tuổi muốn đăng ký hiến tặng mô tạng vì cho rằng điều này góp một phần công sức để xây dựng nước nhà.

Một ngày đầu tháng 7, Nguyễn Mai Phương, 15 tuổi, vừa thi đỗ lớp 10 cùng mẹ tìm đến Ngân hàng Mô - Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 để đăng ký hiến tạng.

"Em đến xin đăng ký hiến tạng", câu nói của Mai Phương khiến mọi người có mặt khi đó bất ngờ, vì ít ai ở tuổi 15 như em dám đi làm việc này.

Nhận giấy đăng ký từ nhân viên, Phương không chút ngần ngại đánh dấu vào các ô giác mạc, thận, tụy, gan, xương, tim. "Em mong khi mình mất đi, trái tim hay giác mạc của em sẽ giúp một ai đó có sự sống thì thật là ý nghĩa", Mai Phương nói.

Phương từng tham gia các hoạt động kêu gọi hiến máu nhân đạo, từng cùng mẹ đi thăm các bạn nhỏ bị bệnh ung thư. Những lần đó, nữ sinh cảm nhận sâu sắc sự sống và cái chết, cả ý nghĩa của những việc làm nhân văn.

 Phương cùng mẹ đi đăng ký hiến tạng.

Phương cùng mẹ đi đăng ký hiến tạng.

Nữ sinh mong hành động của mình sẽ lan tỏa thông điệp rằng việc đăng ký hiến tạng không đáng sợ. Phương chia sẻ ngay từ lần đầu nghe về hiến tạng, bản thân muốn một phần cơ thể mình có thể giúp người khác tiếp tục cuộc sống. Phương tin rằng hiến tạng là cách để đóng góp một phần công sức cho đất nước.

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, em nghĩ việc đăng ký hiến tạng là góp phần công sức vào xây dựng nước nhà", nữ sinh lớp 10 nói và bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào vì góp phần kéo dài sự sống cho ai đó.

Phương mong có thể đóng góp một điều gì đó tốt đẹp cho xã hội.

Phương mong có thể đóng góp một điều gì đó tốt đẹp cho xã hội.

Không chỉ ý thức trách nhiệm với xã hội, Mai Phương còn cảm thấy vui vẻ khi hình dung trái tim của bản thân được đập tiếp trong cơ thể của một người khác sau khi trao tặng lại sự sống.

Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng, cô gái 15 tuổi đề nghị giữ bí mật danh tính của mình với người nhận mô tạng. Phương hy vọng người được nhận sẽ không phải canh cánh việc trả ơn, sẽ sống thật tốt để tiếp tục tô màu cuộc sống.

Mẹ của Phương cho biết, cô gái tự tìm hiểu về việc đăng ký hiến mô tạng và bày tỏ với gia đình muốn làm một việc thật ý nghĩa. Vì thế khi nghe mong muốn của con, cả nhà đều ủng hộ. Bản thân chị cũng tham gia đăng ký hiến tạng cùng con.

Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), đến nay 170.000 người trên toàn quốc đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên hiện cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn chờ đợi mỏi mòn đã không thể qua khỏi.

Một người hiến mô, tạng có thể cứu 8 người nhờ ghép tạng, cải thiện chất lượng cuộc sống 100 người nhờ ghép mô. Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não.

Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.

Theo NGUYỄN NGOAN (VTC News)