Vực dậy thế mạnh miền Tây

08/03/2024 - 04:39

 - Đối với “đầu tàu” kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cần những “toa tàu” từ vùng ĐBSCL để thúc đẩy phát triển. Nếu TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, dịch vụ, phân phối lớn nhất miền Nam thì ĐBSCL cũng là vùng nguyên liệu lúa, cá, tôm, trái cây lớn nhất cả nước. Sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL sẽ giúp đánh thức thế mạnh của nhau, mang lại lợi ích trước nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Tiềm năng liên kết lớn

Trong thỏa thuận giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025, có 6 lĩnh vực trọng tâm liên kết, hợp tác: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch (DL); kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh Phạm Trung Kiên cho biết, xác định quy hoạch và hạ tầng giao thông kết nối là yếu tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả liên kết, khi góp ý vào kế hoạch triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 20/2/2022), TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính liên kết vùng để kết nối thị trường hàng hóa giữa các địa phương vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh.

Về  giao thông, TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm, thảo luận liên quan Dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ (hướng tuyến dự án, vị trí các nhà ga trên tuyến, quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến, khu vực các nhà ga và vùng phụ cận…); tăng cường kết nối giao thông đường thủy TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL...

“Thời gian tới, sẽ tập trung hợp tác phát triển 4 hành lang kinh tế trong vùng, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, gồm: Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ đến Long An - Tiền Giang; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu với tiềm năng lớn và kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa và hàng hải; hành lang kinh tế ven biển từ TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; hành lang biên giới từ Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang” - ông Phạm Trung Kiên thông tin.

Đến nay, các DN TP. Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối, gồm: 31 siêu thị, 4 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; đang triển khai đến hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh và DN các tỉnh, để kết nối cung - cầu chuyên đề đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); tiếp tục triển khai hiệu quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025...

Đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã nhận được 724 dự án của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, gồm: Cần Thơ (23 dự án, 3 lĩnh vực), Long An (13 dự án, 6 lĩnh vực), Tiền Giang (76 dự án, 11 lĩnh vực), Đồng Tháp (105 dự án, 9 lĩnh vực), Bến Tre (59 dự án, 6 lĩnh vực), Trà Vinh (10 dự án, 4  lĩnh vực), Vĩnh Long (58 dự án, 6 lĩnh vực), An Giang (63 dự án, 6 lĩnh vực), Hậu Giang (53 dự án, 5 lĩnh vực), Sóc Trăng (35 dự án, 8 lĩnh vực), Bạc Liêu (152 dự án, 7 lĩnh vực), Kiên Giang (55 dự án, 14 lĩnh vực), Cà Mau (22 dự án, 6 lĩnh vực). Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh được cập nhật, quảng bá, cung cấp thường xuyên cho các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tận dụng cơ chế đặc thù

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, thuận lợi trong liên kết vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh là có thể tận dụng cơ chế đặc thù của 2 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; Nghị quyết 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. “Việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa 2 thành phố trực thuộc Trung ương trở nên cấp thiết, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy tiềm năng.

Trong đó, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ có diện tích 300ha, gồm 10 chức năng, được chia thành 2 khu (khu 1 với 50ha tại quận Bình Thủy; khu 2 với 250ha tại huyện Cờ Đỏ). Trung tâm được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, kỳ vọng theo Nghị quyết 45/2022/QH15, sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho cả vùng ĐBSCL” - TS Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Thời gian qua, dù ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhưng chủ yếu là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực (thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu), hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, nhằm hạn chế mất đồng bộ về cung - cầu, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo Quyết định 816/QĐ-TTg, ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của vùng. Đến năm 2025, vùng ĐBSCL tập trung xây dựng, phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; trong đó Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang để góp phần bổ trợ cho TP. Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistics của toàn vùng. Đồng thời, xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng thu gom, phân loại và chế biến nông sản, gồm: 2 trung tâm tại vùng sinh thái ngọt (thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo) tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp; 3 trung tâm đầu mối tại các Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản; 2 trung tâm đầu mối tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.

Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, khi tăng cường liên kết vùng trên cơ sở tận dụng cơ chế đặc thù của TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, sẽ giúp tìm ra cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt khu vực công - tư, gắn khởi nghiệp với những mục tiêu nâng tầm trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế trải nghiệm và tăng trưởng bao trùm.

Phát huy ABCD Mekong

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, đánh giá cao vai trò quan trọng của liên kết vùng ĐBSCL, Trung ương quyết tâm đưa chủ trương liên kết phát triển vào thực tiễn, như: Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Để hiện thực hóa định hướng trên, các địa phương đã chủ động hành động quyết liệt, nhằm đưa chủ trương liên kết phát triển vào thực tiễn. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau…” - ông Nguyễn Trúc Sơn đánh giá.

Một trong những mô hình liên kết phát huy hiệu quả thời gian qua là chương trình hợp tác ABCD Mekong (gồm 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp). Các địa phương đã liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển DN. Nhóm ABCD Mekong là chủ lực phối hợp tổ chức Diễn đàn Mekong Connect - diễn đàn kinh tế lớn nhất khu vực ĐBSCL. Qua diễn đàn, giúp các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư, xây dựng chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

“Đây được xem là điển hình của mô hình liên kết phi chính thức, sử dụng linh hoạt nguồn lực từ khu vực tư để phục vụ các nhu cầu kết nối thị trường, cung cấp sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Để mở rộng quy mô kết nối, tăng hiệu quả của diễn đàn, năm 2023, tỉnh Bến Tre đã đề nghị nâng Diễn đàn Mekong Connect lên thành hoạt động chung của vùng ĐBSCL, có sự phối hợp tổ chức và tham gia của 13 tỉnh, thành phố trong vùng với TP. Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.

Ngày 11/3/2023, tại TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre), bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025 đã được ký kết. Ngày 18/7/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 3459/KH-UBND về triển khai bản thỏa thuận hợp tác trong năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025. Ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 974/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Nâng tầm liên kết

Từ diễn đàn kinh tế nội vùng ĐBSCL, Mekong Connect 2023 đã nâng tầm vóc, quy mô và sức ảnh hưởng, với chủ đề lớn hơn: “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, sau những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới, những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng, trong đó tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược.

Trước khi đăng cai Diễn đàn Mekong Connect 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”. Tại Mekong Connect vừa qua, TP. Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. “Điều đó cho thấy, TP. Hồ Chí Minh xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong nhiệm vụ phát triển kinh tế theo xu hướng chung của thế giới” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Mekong Connect 2023 đã trải qua 4 phiên thảo luận, bàn về 4 chủ đề lớn, xoay quanh đến việc tạo môi trường kinh tế xanh, thị trường tái chế và tín chỉ carbon, giải pháp mở rộng thị trường, giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh. Hoạt động triển lãm tại diễn đàn đã trình diễn những sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế xanh, gồm: Mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình thích ứng khí hậu, số hóa và chuyển đổi số, sản phẩm thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe, hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng thay thế...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, cùng với chủ trương, ủng hộ của Trung ương, cần những giải pháp, sáng kiến để phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ nói riêng, để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…

“Khi được nâng cấp xứng tầm, Mekong Connect sẽ tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa DN và chính quyền; giữa các chuyên gia và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN