Ảnh: THANH HÙNG
Cá tra Bắc tiến
Trước thực tế này, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã tập trung “vực dậy” thị trường nội địa, cụ thể đẩy mạnh việc làm ra sản phẩm ngon, chất lượng (đạt chuẩn Châu Âu) phục vụ người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, các đơn vị sản xuất tiếp tục củng cố chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.
Hiện, ngoài những sản phẩm sản xuất mang tính truyền thống, như: fillet cá tra và cá tra nguyên con bỏ nội tạng, DN còn đầu tư chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng, như: chả basa thì là, giò chả basa thì là, chả basa tẩm bột… cùng hàng chục sản phẩm khác theo phương châm sản phẩm xanh- sạch- dinh dưỡng, tiện lợi. Đi đầu trong việc đưa ra sản phẩm chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu ra thị trường là: Tập đoàn Nam Việt, Vĩnh Hoàn, Angifish.
Trong đó, Nam Việt được xem là một trong những tập đoàn chế biến cá tra hàng đầu Việt Nam, bởi đơn vị này đang sở hữu vùng nuôi 1.000ha, nuôi cá tra nguyên liệu bằng công nghệ cao và 4 nhà máy đông lạnh thủy sản với công suất chế biến 1.500 tấn/ngày. Đi cùng với đó là hệ thống nhà máy bao bì, sản xuất thức ăn, chế biến phụ phẩm mang tính khép kín, quy mô, hiện đại.
Tập đoàn Nam Việt và Trường Đại học Cần Thơ ký kết hợp tác trong nghiên cứu nuôi trồng, chế biến thủy sản theo hướng bền vững
Để đưa sản phẩm cá tra phục vụ người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc, Tập đoàn Nam Việt đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với 2 đơn vị phía Bắc (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu) là Xí nghiệp Bắc Hà và An Việt Group. Hai đơn vị này đã đưa các sản phẩm truyền thống và sản phẩm giá trị gia tăng của Nam Việt ra phục vụ người tiêu dùng phía Bắc thông qua các kênh bán hàng.
“Em có đến các điểm bán hàng của Nam Việt ở Hà Nội mua sản phẩm cá về ăn thử, thấy ngon lắm. Sản phẩm giá trị gia tăng, đã qua chế biến nhưng vẫn giữ được hương vị tự nhiên của thịt cá. Đây là một thành công trong khâu chế biến. Người Hà Nội rất thích ăn các sản phẩm này” – chị Phan Thị Liên chia sẻ.
Hiện, mỗi tháng, Tập đoàn Nam Việt đưa khoảng 200 tấn sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ người tiêu dùng trong nước nói chung, các tỉnh phía Bắc và miền Đông Nam Bộ nói riêng.
Củng cố chất lượng
“Nam Việt xác định, thị trường 100 triệu dân của cả nước là thị trường rất tiềm năng nên quyết tâm xây dựng thương hiệu, hình ảnh của sản phẩm lẫn DN tại thị trường này” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Để tập trung cho khâu chất lượng thành phẩm, các DN chế biến cá tra hiện nay đã khép kín quy trình sản xuất từ con giống đến thức ăn và chế biến. Như ở Nam Việt, DN này đã đầu tư thêm vùng nuôi 600ha ở xã Bình Phú (Châu Phú) để nuôi cá tra bằng công nghệ cao. Cá tra nuôi theo quy trình công nghệ cao được kiểm soát chất lượng trong từng công đoạn, cụ thể từ công đoạn giống, thức ăn, nước nuôi đến chế biến. Trong khâu sản xuất giống, cá bố mẹ được chọn lựa từ những con cá mang tính vượt trội (so với bầy đàn), cá nuôi trong hệ thống lọc nước thông minh và thức ăn cho cá là thức ăn sạch.
Lễ công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường EU, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông
Năm 2020, có 2 sự kiện mang tính bước ngoặt đối với ngành hàng cá tra (trong bối cảnh đại dịch COVID-19) là việc Tập đoàn Nam Việt làm lễ công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Nam Mỹ. Sự kiện thứ 2, cùng với các DN chế biến khác khai thác, vực dậy thị trường nội địa thông qua các kênh phân phối, bán hàng từ hiện đại đến truyền thống. Động thái này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra, giúp người tiêu dùng trong nước có nhiều thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng những sản phẩm cá tra cao cấp; tiếp tục duy trì và giữ vững nhịp độ sản xuất chờ khi hết dịch bệnh, đưa ngành hàng cá tiếp tục phát triển.
Vực dậy thị trường nội địa, ngành hàng cá tra giảm bớt được khó khăn. Nếu so với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 thì năm 2020, các DN chế biến cá tra có phần chủ động hơn. Hiện nay, diện tích nuôi cá của toàn vùng ĐBSCL đã trên 2.000ha, sản lượng đến 1,4 triệu tấn, giải quyết bài toán tiêu thụ hết sản lượng nuôi để cân đối cung - cầu là một việc làm khó nhưng hết sức cần thiết.
“Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa cho sản phẩm cá tra, nhất là đưa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng phía Bắc của Tập đoàn Nam Việt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao, việc này một mặt giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, mặt khác giúp người tiêu dùng nội địa có sản phẩm ngon, chất lượng đạt chuẩn Châu Âu trong bữa ăn hàng ngày, tiếp cận được nguồn thực phẩm vừa sạch, vừa ngon và tiện lợi…” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khen ngợi. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN