Vươn tầm OCOP 3 sao

06/04/2023 - 05:35

 - Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, sau 4 năm, anh Hồ Thanh Nam (sinh năm 1991, ngụ ấp Hòa Phú, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã thành công với 2 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), gồm: Trà mãng cầu và cóc non sấy dẻo.

Gian nan khởi nghiệp

Vốn có nhiều trăn trở với nông nghiệp, nông thôn, sau khi tốt nghiệp ngành phát triển nông thôn của Trường Đại học An Giang, anh Nam quyết định khởi nghiệp ngay trên mảnh đất gia đình. Được sự ủng hộ của người thân, anh mạnh dạn nâng cao giá trị thương phẩm trái mãng cầu, thay vì bán trái tươi hàng ngày. Đó là, chế biến trà mãng cầu. Với 17 công đất ruộng được cải tạo trồng mãng cầu xiêm, đây là nguồn nguyên liệu sạch, khá ổn định cho anh Nam, nghiên cứu, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp trà mãng cầu.

Anh Nam tự hào với sản phẩm trà mãng cầu và cóc sấy dẻo đạt chuẩn OCOP 3 sao

Theo anh Nam, trà mãng cầu phải được làm từ trái vừa chín tới. Bởi, trái non sẽ không có vị thơm, già quá thì thịt rất ướt, khó phơi. Công đoạn làm trà mãng cầu không cầu kỳ, nhưng mất nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ. Vì thịt mãng cầu phải được cắt mỏng cho đều, không quá to hay quá nhỏ. Công đoạn này làm hoàn toàn bằng tay. Sau đó, mãng cầu được đem phơi (khoảng 2 nắng) rồi sấy lại trên lửa vừa phải. Bất cẩn chút thôi có thể hư mẻ trà chuẩn bị ra lò. Khoảng 10kg mãng cầu mới làm nên 1kg trà.

Thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thời gian đầu anh Nam gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm trà làm thủ công, nên thất bại là chuyện thường thấy. Để có được công thức chuẩn cho sản xuất trà mãng cầu, anh Nam trải qua nhiều lần thử nghiệm. Đến khi, trà mãng cầu định hình và bán ra thị trường, nhận được nhiều lời khen, tạo thêm động lực cho chàng thanh niên trẻ cố gắng. Hành trình tiến gần đến OCOP là giải 3 sản phẩm trà mãng cầu tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang” lần thứ III/2019, do Tỉnh đoàn tổ chức. Được địa phương động viên, tạo điều kiện, anh Nam tự tin hoàn chỉnh hồ sơ để tham gia OCOP tỉnh An Giang. Năm 2020, sản phẩm trà mãng cầu đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Đến OCOP 3 sao

“Khi mới bắt đầu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, tôi khá lúng túng vì phải hoàn thiện nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan. Được địa phương hỗ trợ, tôi hiểu OCOP là bước đệm đưa sản phẩm trà mãng cầu nâng tầm chất lượng. Khi đã thành công với trà mãng cầu, tôi tập trung nghiên cứu sản phẩm cóc non sấy dẻo. Vẫn là những khó khăn ban đầu như thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị, tôi không bỏ cuộc. Chịu khó khắc phục tất cả, đến năm 2022, sản phẩm cóc non sấy dẻo của tôi được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Đó là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực và động viên tôi phấn đấu nhiều hơn!” - anh Nam bày tỏ.

Từ khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, trà mãng cầu Thanh Nam được nhiều người biết đến. TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây… là những nơi anh Nam phân phối trà mãng cầu nhiều nhất. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương, anh Nam thành lập tổ hợp tác trà mãng cầu Thanh Nam gồm 5 thành viên, với tổng diện tích 4,4ha. Các thành viên tổ hợp tác đảm bảo việc xử lý phân thuốc theo tiêu chuẩn anh Nam đặt ra.

Cụ thể, trước thu hoạch 1 tháng, không được phun xịt thuốc hóa học. Quá trình trồng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng để mãng cầu đạt chất lượng khi thành phẩm trà. Để mở rộng vùng nguyên liệu, anh Nam còn thu mua mãng cầu xiêm của nông dân trong xã. Giá thu mua đảm bảo bằng với giá thị trường, để người dân an tâm sản xuất.

Trà mãng cầu có giá 500.000 đồng/kg. Theo anh Nam, từ lúc bắt tay khởi nghiệp đến khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, anh vẫn giữ giá bán này để tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, anh Nam bán từ 50 - 70 kg trà mãng cầu. Cao điểm lễ, Tết, khách đặt hàng làm quà tặng nhiều, số lượng bán có thể tăng gấp đôi. Với sản phẩm cóc non sấy dẻo, anh Nam chỉ bán theo mùa. Bởi, cóc sấy dẻo có hạn sử dụng ngắn.

Vào mùa cóc cho trái, ngoài sử dụng cóc tại vườn nhà, anh Nam còn thu mua thêm của nhiều hộ dân tại địa phương; thuê người gọt vỏ với tiền công 3.000 đồng/kg, tạo thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo đó, cóc non sấy dẻo có giá bán 180.000 đồng/kg.

Nếu trước đây, trà mãng cầu được làm thủ công, vừa mất thời gian, lại lệ thuộc nhiều vào thời tiết thì nay, anh Nam đã giải quyết được vấn đề trên. Được hỗ trợ 200 triệu đồng từ chương trình nông thôn mới tỉnh, anh Nam đối ứng 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống sấy năng lượng mặt trời, đạt công suất sấy 200 - 300kg nguyên liệu/ngày.

Anh Nam còn đầu tư máy rang trà với công suất 50 - 70kg/ngày, máy đóng hộp, đóng gói sản phẩm. Ngoài ra, còn đầu tư thêm máy cắt sợi trà mãng cầu. Từ đây, đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tập trung cho việc phát triển sản phẩm.

“Trước mắt, tôi sẽ tập trung mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo tính ổn định cho sản phẩm; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng. Tương lai, tôi sẽ hướng đến tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Dù biết sẽ rất nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để mang sản phẩm trà mãng cầu và cóc non sấy dẻo ngày càng vươn xa!”- anh Nam chia sẻ.

PHƯƠNG LAN