Vượt Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Singapore

21/04/2024 - 10:01

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã vượt Ấn Độ và Thái Lan để trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Singapore.

TTXVN dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là các yếu tố đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia gần như chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường với loại sản phẩm đặc trưng gạo đồ (chiếm 99,29%) và gạo basmati xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 95,66%). Với các sản phẩm gạo còn lại, thì Thái Lan hầu như chiếm thị phần lớn nhất như gạo lứt homali (98,26%), gạo trắng homali (96,83%), gạo vỡ (68,16%). Với nhóm gạo lứt thường, Nhật Bản là nước chiếm thị phần lớn nhất (71,72%).

Một kho gạo xuất khẩu tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. Việc Ấn Độ (nước đang chiếm lĩnh thị phần gạo tẻ trắng, loại gạo Việt Nam có thế mạnh) ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati từ ngày 20-7-2023, đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam dường như đã mở rộng thành công thị trường sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ. Dù vậy, xu hướng này vẫn cần thêm thời gian và sự cố gắng để đảm bảo duy trì bền vững vị trí đối tác lớn nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm chất lượng sản phẩm gạo.

Theo MINH ANH (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)