Thể thao thành tích cao thi đấu trong bối cảnh "bình thường mới"
Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn vòng loại các giải Olympic, Paralympic Tokyo, các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới và cả công tác tập huấn, chuẩn bị lực lượng SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 năm 2021.
Gần 150 giải thể thao quốc gia đã được tổ chức trong năm 2020. Ảnh: TTXVN
Thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao, trong năm 2020, thể thao Việt Nam hầu như không tham gia thi đấu các giải đấu quốc tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, chỉ tính trong giai đoạn trước tháng 4-2020, các VĐV Việt Nam đã tham dự được 18 cuộc thi đấu quốc tế là vòng loại Olympic, Paralympic. Kết quả, Thể thao Việt Nam đã giành được 26 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ.
Cụ thể, đội tuyển Cử tạ tham dự giải vô địch thanh thiếu niên và trẻ châu Á tại Uzbekistan giành 13 HCV, 6 HCB, 2 HCĐ (VĐV Đỗ Tú Tùng xuất sắc giành 6 HCV hạng cân 55 kg và phá một kỷ lục thế giới ở nội dung cử giật). Ở giải vô địch Cử tạ Cúp thế giới tại Ý, đoàn Việt Nam giành 10 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ.
Giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á tại Jordan, VĐV Nguyễn Văn Đương đạt HCĐ, qua đó giành suất chính thức tham dự Olympic. Cúp Bắn cung châu Á tại Thái Lan, đoàn Việt Nam đạt 3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ. Cúp Thể dục dụng cụ thế giới tại Azerbaijan giành 1 HCĐ.
Tính đến nay, thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo ở các môn Bắn cung (2), Boxing (1), Thể dục dụng cụ (1), Bơi (1) và vẫn đang nỗ lực tập luyện, sẵn sàng tìm thêm những suất tham dự Olympic khi các giải đấu vòng loại được tổ chức lại. Để bù đắp cho những khó khăn do không thể tập huấn và thi đấu quốc tế, ngành thể dục thể thao Việt Nam lựa chọn việc tích cực tổ chức huấn luyện và thi đấu trong nước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh, năm 2020, ngành đã triệu tập gần 3.000 lượt vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và bác sỹ. Trong đó đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ tập huấn tại các Trung tâm huấn luyện thể tao quốc gia: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Cùng với đó, đáng chú ý, dồn dập trong 6 tháng cuối năm, ngành thể thao Việt Nam tổ chức thành công 148 giải thể thao quốc gia, mở 16 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao. Các giải thể thao được tổ chức trong bối cảnh "bình thường mới" đã được người hâm mộ thể thao cả nước hoan nghênh, đón nhận. Đặc biệt các hoạt động bóng đá tổ chức trở lại đã gây tiếng vang lớn đối với truyền thông quốc tế và được coi là một minh chứng cụ thể cho kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả ở nước ta.
Mục tiêu trong năm 2021
Chuẩn bị tốt lực lượng tham dự Olympic, Paralympic, SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam vẫn là yêu cầu số 1 của thể thao Việt Nam khi bước sang năm 2021.
Trong đó, mục tiêu phấn đấu có khoảng 20 VĐV vượt qua vòng loại Olympic, Paralympic và đạt huy chương tại Thế vận hội Olympic và Paralympic vẫn rất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến các giải đấu vòng loại hay thậm chí làm thay đổi cả các quy định chuẩn cho vận động viên.
Giải đấu V-League 2020 trở lại còn làm tốt công tác xã hội - hướng về miền Trung đang chịu ảnh hưởng của bão lũ. Ảnh: TTXVN
Tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 được tổ chức tại Việt Nam, ngành thể thao cũng cần nỗ lực vượt bậc cho một mùa giải được tổ chức thành công. Về thành tích tại hai giải đấu quan trọng cấp khu vực này, Việt Nam phấn đấu giữ vững vị trí là một trong 3 nước đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.
Với thể thao quần chúng, ngành thể thao phấn đấu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 26,8% theo hướng đẩy mạnh phong trào bằng những hình thức tập luyện phù hợp với thực tế như: tập luyện tại nhà với các bài tập đơn giản.
Năm 2020 được xem là năm thành công trong việc khắc phục khó khăn của ngành thể dục thể thao. Đây sẽ là tiền đề cho năm có nhiều mục tiêu cần thực hiện 2021.
Theo L. SƠN (Báo Tin tức)