Triều Tiên và những câu chuyện cổ tích World Cup
World Cup 2010 ở Nam Phi là một trong những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhất trong lịch sử ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó là lần đầu tiên một quốc gia châu Phi giành quyền đăng cai tổ chức.
Giải đấu ở Nam Phi cách nay 11 năm có một bất ngờ lớn: sự hiện diện của CHDCND Triều Tiên.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Triều Tiên giành vé dự VCK World Cup. Trước đó, họ từng đại diện cho bóng đá châu Á tham gia giải đấu năm 1966 mà Anh là chủ nhà.
Triều Tiên giành vé đi Nam Phi là câu chuyện gây tiếng vang lớn trên thế giới. Đại diện của khu vực Đông Á xếp vị trí 105 thế giới, trở thành đội bóng có thứ hạng thấp nhất từng được dự VCK - kể từ thời điểm FIFA công bố bảng xếp hạng năm 1993.
Triều Tiên là đội có vị trí thấp nhất bảng xếp hạng FIFA được dự World Cup
Để lấy vé đi châu Phi, Triều Tiên xuất sắc vượt qua hai cường quốc châu Á là Saudi Arabia và Iran. Đáng chú ý, các cầu thủ Triều Tiên làm nên thành tích kỳ diệu này trong bối cảnh chính trị phức tạp, với nhiều nguy cơ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Hành trình của Triều Tiên ở vòng bảng là thất bại, khi họ gặp các đối thủ Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà. Dù vậy, họ vẫn khiến thế giới phải ngưỡng mộ với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Đi vào lòng người hơn cả là những giọt nước mắt của Jong Tae-se khi nhạc hiệu quốc ca vang lên.
Năm 1966, khi lần đầu dự VCK World Cup, Triều Tiên cũng tạo tiếng vang lớn, trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bóng đá châu Á. Họ đánh bại Italy rồi hòa Chile ở vòng bảng và giành quyền vào tứ kết - nơi đội bóng áo đỏ thua 3-5 trước Bồ Đào Nha của Eusebio - một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại.
Ở kỳ World Cup 1974 mà Tây Đức là chủ nhà (và giành chức vô địch thế giới lần thứ hai trong lịch sử), Haiti là một hiện tượng thú vị khác. Để đạt được kỳ tích này, họ xuất sắc vô địch CONCACAF (khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribbean) năm 1973.
4 năm trước sự kiện Haiti, ở Mexico 1970, một bất ngờ khác đến từ CONCACAF là El Salvador. Ngay trong lần đầu tiên tranh tài vòng loại World Cup, El Salvador đã lấy vé dự VCK.
Giữa chiến tranh, tị nạn và bắt cóc, giành vé World Cup rõ ràng là điều kỳ diệu. Trường hợp này là Togo năm 2006. Đội bóng châu Phi ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ khi góp mặt trong ngày hội được tổ chức tại Đức.
Không phải bất ngờ quá lớn, nhưng Iceland - một đất nước với chỉ hơn 300.000 dân - tham dự World Cup 2018 trên đất Nga cũng là câu chuyện thú vị. Đây là thành quả của một thế hệ vàng, trước đó dự EURO 2016 ở Pháp. Những gì đội đạt được là hệ quả của nền bóng đá được xây dựng bài bản, với tỷ lệ huấn luyện viên chuyên nghiệp cao nhất thế giới.
Giấc mơ của Việt Nam
Nền bóng đá nhỏ bé không phải là cạn hết cơ hội giành vé dự World Cup. Những bất ngờ trong quá khứ là động lực để đội tuyển Việt Nam chiến đấu ở vòng loại World Cup 2022- nơi thầy trò HLV Park Hang Seo đang dẫn đầu bảng G, giai đoạn hai khu vực châu Á.
Đội tuyển Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt trong những năm gần đây, với thước đo là thành công trên sân chơi quốc tế.
Ở Asian Cup 2019, Việt Nam thể hiện hình ảnh một tập thể kỷ luật cùng lối đá khoa học, đặc biệt là tâm lý thi đấu rất đáng khen. "Những ngôi sao vàng" trở thành đại diện Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào tứ kết sân chơi châu lục.
Thế hệ vàng bóng đá Việt Nam mơ VCK World Cup
Thành công và sự ổn định của Việt Nam còn thể hiện trên con đường chinh phục AFF Cup 2018 - chức vô địch đầu tiên kể từ danh hiệu năm 2008. Giới truyền thông Đông Nam Á đều thừa nhận, đội tuyển Việt Nam đã vươn xa mặt bằng khu vực để tiếp cận đẳng cấp châu Á.
Đội tuyển Việt Nam hiện tại là sức mạnh kỷ luật và tâm lý tự tin mà ông Park Hang Seo xây dựng. Nền tảng của đội ngũ này đến từ chất lượng cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Những người trẻ này từng là á quân U23 châu Á 2018, cũng như vào bán kết ASIAD 2018. Bên cạnh đó, còn có chiếc HCV lịch sử ở SEA Games 2019.
Không có những cuộc khảo sát chính thức nào, nhưng Việt Nam được xem là quốc gia với tỷ lệ người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt bậc nhất thế giới. Đặc biệt, mỗi khi tuyển Việt Nam thi đấu luôn trở thành sự kiện gây chú ý với cộng đồng ASEAN và quốc tế.
World Cup là giải đấu trong mơ đối với mọi cầu thủ chuyên nghiệp, cũng như người hâm mộ trên khắp thế giới. Các CĐV Việt Nam cũng mơ ước một ngày lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới - giống như khoảnh khắc đầy xúc động ở Thường Châu (Trung Quốc 2018). Hình ảnh lá quốc kỳ bay cao trong mưa tuyết ở Thường Châu là giây phút không bao giờ quên của rất nhiều thế hệ yêu bóng đá Việt Nam.
Giấc mơ là động lực của chiến thắng. Từ động lực ấy, bóng đá Việt Nam phát triển bài bản từ công tác đào tạo trẻ. HAGL đi tiên phong về đào tạo bài bản. Họ đang dẫn đầu V-League với đội ngũ hơn 10 thành viên là "cây nhà lá vườn".
Chất lượng đào tạo và tính chuyên nghiệp được nâng lên mức cao hơn, thông qua Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. PVF đại diện cho khát vọng World Cup của người Việt Nam, và được công nhận là một trong những lò đào tạo hiện đại nhất châu Á hiện nay. Ở PVF, ngay từ ngày khai trương trung tâm đào tạo hiện đại này, ấn tượng nhất chính là tấm biển lớn nói về khát vọng đưa tuyển Việt Nam đến World Cup.
Trên thực tế, trước khi chờ đợi thầy trò Park Hang Seo bay cao, thành công của đội tuyển futsal cũng chứng tỏ bóng đá Việt Nam không ngừng tiến bộ, tiếp thêm động lực cho tuyển Việt Nam. Tuyển futsal Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt vé tham dự VCK World. Nếu như Colombia 2016 là giải đấu chào sân thì Lithuania 2021 hứa hẹn trở thành sân khấu cho những chàng trai Việt bay cao.
Ngày tuyển Việt Nam bước đến World Cup không còn xa...
Theo THIÊN THANH (VietNamNet)