Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa dự báo, trong năm 2020, số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới sẽ giảm 55%, cao hơn mức dự báo giảm 46% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo chỉ rõ các hạn chế trên đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa, du lịch kinh doanh và việc cung cấp các dịch vụ dựa vào sự hiện diện của các cá nhân ở nước ngoài. Chi phí vận tải và đi lại chiếm một phần quan trọng trong chi phí thương mại, ước tính chiếm từ 15 - 31% tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Do đó, các hạn chế đi lại nếu vẫn tiếp tục sẽ làm tăng đáng kể chi phí thương mại.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, dù đôi khi có sự chậm trễ đáng kể nhưng vận tải hàng hải và đường bộ hầu như vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đã bị gián đoạn nghiêm trọng, với năng lực vận chuyển hàng không toàn cầu giảm 24,6% vào tháng 3/2020.
Các dịch vụ có thể giao dịch dựa trên sự tiếp xúc gần gũi giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng (chẳng hạn như du lịch, vận tải hành khách hoặc dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hạn chế đi lại và sự giãn cách xã hội và vì vậy đã dẫn đến sự gia tăng rất lớn về chi phí thương mại.
Sự gián đoạn trong việc đi công tác, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ thương mại cũng như quản lý chuỗi giá trị toàn cầu, cũng có khả năng ảnh hưởng đến cả hoạt động kinh doanh, dịch vụ chuyên môn và sản xuất, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng thay thế tương tác điện tử để giao tiếp trực tiếp.
Các rào cản chính sách thương mại và sự khác biệt về quy định được ước tính chiếm ít nhất 10% chi phí thương mại trong tất cả các lĩnh vực. Chúng bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, các rào cản thương mại tạm thời, sự khác biệt về quy định và chi phí qua biên giới, cũng như các chính sách khác tác động đến thương mại, chẳng hạn như thiếu thuận lợi đầu tư hoặc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Sự thay đổi do khủng hoảng COVID-19 gây ra theo hướng số hóa các thủ tục hải quan và quy định để giảm tiếp xúc vật lý có thể có khả năng làm giảm chi phí thương mại liên quan trong dài hạn, song cũng khiến các doanh nghiệp giảm đầu tư vào nghiên cứu thị trường mới và các đối tác tiềm năng.
Báo cáo lưu ý rằng trong quý I/2020, mức độ không chắc chắn trên toàn cầu cao hơn 60% so với mức gây ra bởi Chiến tranh Iraq và bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) vào năm 2003. Vào giữa tháng 3/2020, chỉ số về biến động của thị trường tài chính đã gần đạt mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận năm 2008. Sự không chắc chắn khiến các công ty không muốn đầu tư vào các mối quan hệ thương mại mới và sự gia tăng bất ổn cũng có thể dẫn đến thu hẹp tài chính thương mại, có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nặng nề đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài một siêu thị ở Gateshead, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tương lai, cho dù chi phí thương mại dự kiến sẽ có nhiều thay đổi sau khi đại dịch được kiểm soát, song một số yếu tố có thể tiếp tục do những thay đổi trong môi trường chính sách hoặc những động lực của thị trường. Các lựa chọn chính sách của các chính phủ - có thể làm giảm hoặc tăng sự không chắc chắn trong chính sách thương mại - sẽ rất quan trọng trong việc định hình chi phí thương mại.
Mặc dù sự tăng giá vận tải hàng không có khả năng giảm xuống khi vận tải hành khách phục hồi, nhưng việc nhiều hãng hàng không phá sản có thể dẫn đến sự hợp nhất trong ngành hàng không, cạnh tranh thấp hơn và sự thay đổi về nhu cầu đi lại của hành khách có thể dẫn đến chi phí vận tải hàng không cao hơn trong dài hạn. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cao hơn và sự giảm sút đi lại sẽ ảnh hưởng đến cả thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Việc chuyển đổi sang hình thức tương tác điện tử có thể làm giảm bớt một số tác động, nhưng điều này sẽ khác nhau giữa các nền kinh tế tùy thuộc tiềm lực về kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo Báo Tin Tức