Xã Hội An hạ thấp tỷ lệ số cas mắc sốt xuất huyết

18/07/2019 - 17:30

 - Thời gian qua, nhờ có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xã Hội An (Chợ Mới) đã hạ thấp được tỷ lệ số cas sốt xuất xuyết (SXH) trên địa bàn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, xã Hội An có đến 48 trường hợp mắc bệnh SXH, sau 1 năm con số này chỉ còn 18 cas, giảm 37,5% so cùng kỳ.

Hạ thấp chỉ số

Tại An Giang, những năm qua, số người mắc bệnh tại cộng đồng chưa giảm mạnh là do chỉ số muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình chưa được hạ thấp (ở mức an toàn cho phép). Theo thông lệ, bệnh thường xuất hiện vào thời điểm mùa mưa và giảm dần vào 2 tháng cuối năm. Sự trở lại của tuýp huyết thanh DEN 1 cộng với thời tiết biến đổi thất thường đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng. Theo đó, để kiểm soát bệnh này hiệu quả thì việc hạ thấp chỉ số muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình là một trong những biện pháp hữu hiệu, đưa đến thành công trong việc hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh SXH tại cộng đồng. Cách làm của Trạm Y tế xã Hội An là một điển hình.

Xã Hội An có 10 ấp, 5.700 hộ, với 21.000 nhân khẩu. Những năm qua, số cas mắc bệnh SXH trên địa bàn rất cao, đây là nỗi lo của cả hệ thống chính trị. Ông Lê Hữu Lễ (cán bộ phụ trách phòng, chống dịch, Trạm Y tế xã Hội An) cho biết, để hạ thấp được tỷ lệ mắc SXH tại cộng đồng, hàng năm xã tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Thông qua sự phân công, cán bộ phòng, chống dịch bệnh của trạm thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của dịch SXH ở 10 ấp trong xã; kịp thời báo cáo, tham mưu lãnh đạo để có hướng khống chế dịch. Xây dựng mô hình, tổ tự quản không có lăng quăng. Triển khai mô hình nuôi cá 7 màu thả vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Kết hợp Đài Truyền thanh xã tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH. Kết hợp cán bộ truyền thông, tổ chức xuống ấp mở các lớp nói chuyện chuyên đề phòng, chống SXH 1 tháng/lần. Với cách làm đó, 6 tháng đầu năm 2019, số cas mắc bệnh SXH trên địa bàn xã đã được hạ thấp.

Xã Hội An hạ thấp tỷ lệ số cas mắc sốt xuất huyết

Trạm Y tế xã tổ chức khám sàng lọc các bệnh nguy hiểm trên trẻ em

Đẩy mạnh tuyên truyền

“Hàng năm, Trạm Y tế xã đã chủ động tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch SXH, bệnh do virus Zika. Từ kế hoạch này, các ấp đã kiện toàn đội đặc nhiệm, tổ chức diệt lăng quăng, đẩy mạnh tuyên truyền ra cộng đồng với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có SXH”. Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi xác định đây là việc làm thường xuyên, từ đó đã nâng dần ý thức của người dân. Chính điều này đã góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh trên địa bàn xã trong 6 tháng đầu năm 2019” - BS Bùi Văn Lê, Trưởng trạm Y tế xã Hội An chia sẻ.

Mục đích của việc tuyên truyền là nhằm giảm tỷ lệ chết, giảm tỷ lệ mắc và khống chế không để dịch lớn xảy ra. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân để cùng tham gia các hoạt động phòng, chống SXH. Năm 2019, Ban Chỉ đạo phòng, chống SXH và bệnh dịch nguy hiểm xã đưa ra chỉ tiêu giảm 7% tỷ lệ mắc/100.000 dân. Tổ chức 10 điểm (10 tổ/10 ấp) giám sát vector định kỳ hàng tháng. Có 100% các ấp (có nguy cơ bùng phát dịch) triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch vận động, tuyên truyền người dân tự diệt lăng quăng. Mỗi ấp thực hiện chiến dịch vận động, tuyên truyền “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH, bệnh do virus Zika”, triển khai ít nhất 1 đợt/năm vào tháng 3, tháng 5 và tháng 7; mỗi ấp triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH, bệnh do virus Zika dựa vào cộng đồng ít nhất 1 đợt/năm vào những tháng 4, tháng 6 và tháng 8. Duy trì thực hiện mỗi ấp có 2 tổ tự quản thực hiện đăng ký “Tổ tự quản không có lăng quăng” và có điểm nuôi cá diệt lăng quăng. 100% nhà cán bộ và y tế xã, ấp  đăng ký thi đua thực hiện “Nhà không có lăng quăng”.

“Thời gian qua, xã đã tăng cường thời lượng tuyên truyền trong cộng đồng về những tác hại nguy hiểm do bệnh SXH gây ra. Tích cực giám sát ở cộng đồng để phát hiện, điều trị sớm các cas bệnh; xử lý ổ dịch kịp thời và có hiệu quả số cas mắc, đồng thời thực hiện phun hóa chất trên diện rộng một cách chủ động tại khu vực nguy cơ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng…” - BS Bùi Văn Lê, Trưởng trạm Y tế xã Hội An thông tin.

Bài, ảnh: MINH HIỂN