Xác định 4 yếu tố khiến bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ trở nặng

10/06/2020 - 19:16

Theo nghiên cứu, khoảng 48,3% bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nền tiểu đường chuyển biến nặng hơn, trong khi chỉ có 11,1% bệnh nhân không mắc tiểu đường chuyển biến nặng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Guro, phía nam Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-6-2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giới y tế Hàn Quốc ngày 10-6 đã công bố 4 yếu tố giúp sớm sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng.

Để xác định được điều đó, nhóm nhiên cứu về cơ quan hô hấp và dị ứng thuộc Trung tâm hô hấp, trong đó có giáo sư Jang Jong-geol và giáo sư Ahn Jun-hong của Bệnh viện Đại học Yeungnam, đã tiến hành phân tích 110 bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện điều trị từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua.

Nhóm nghiên cứu đã phân loại bệnh nhân nặng theo các tiêu chí xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), cần điều trị ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), và trường hợp tử vong. Trong 110 bệnh nhân được theo dõi, có 23 trường hợp nằm trong nhóm bệnh nhân nặng.

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân có thân nhiệt cao trên 37,8 độ C khi mới nhập viện, bệnh nhân có nồng độ ôxy trong máu thấp dưới 92% và bệnh nhân có chỉ số CK-BM thể hiện mức độ tổn thương tim cao hơn 6,3 có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19.

Cụ thể, khoảng 48,3% bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nền tiểu đường chuyển biến nặng hơn, trong khi chỉ có 11,1% bệnh nhân không mắc tiểu đường chuyển biến nặng.

Có 9,9% bệnh nhân thân nhiệt dưới 37,8 độ C khi nhập viện diễn biến nặng, trong khi tỷ lệ này ở bệnh nhân thân nhiệt trên 37,8 độ C lên tới 41%; 58,6% bệnh nhân có nồng độ ôxy trong máu dưới mức chuẩn và 85,7% bệnh nhân có chỉ số CK-BM cao hơn mức chuẩn đã diễn biến bệnh nặng hơn. Nguy cơ diễn biến nặng của bệnh nhân có một trong các yếu tố là 13%, có hai triệu chứng trở lên là 60%.

Giáo sư Ahn Jun-hong hy vọng kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp các y bác sỹ sớm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng để tập trung theo dõi điều trị, phần nào giảm bớt tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19.

Tại New Zealand, Bộ Y tế nước này ngày 10/6 thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Như vậy, quốc gia châu Á-Thái Bình Dương này đã không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào trong 19 ngày qua.

Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New Zealand là 1.154 ca, trong đó có 22 ca tử vong. Đến nay, New Zealand cũng đã dần khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân, song vẫn tăng cường các biện pháp hạn chế tại biên giới. Tất cả mọi người tại cửa khẩu biên giới đều phải xét nghiệm dù họ có triệu chứng hay không.

Trong khi đó, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội, hủy bỏ các biện pháp kiểm soát đường biên và cách ly bắt buộc theo từng giai đoạn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang ổn định dần.

Tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang chuẩn bị các bước cho giai đoạn 4 nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi trong 16 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, ngoại trừ những trường hợp bị nhiễm là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cách ly.

Trong ngày 10-6, Thái Lan ghi nhận thêm 4 ca COVID-19 trong số các công dân từ nước ngoài trở về, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này lên 3.125 bệnh nhân, trong đó có 58 trường hợp tử vong.

Theo TTXVN/Vietnam+