Từ đầu năm ngoái đến nay, giá xăng trong nước đã liên tục tăng theo mức giá thế giới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Chiều 21-2, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, neo ở ngưỡng hơn 26.200 đồng/lít đối với xăng RON 95 và xăng E5 RON92 là 25.532 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S là 20.801 đồng/lít... đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đối mặt với áp lực tăng giá cước, cùng với đó là nỗi lo mất khách hoặc chịu thua lỗ.
Giá xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác như logistics, đánh bắt xa bờ của ngư dân.
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, khi giá xăng dầu liên tục tăng từ trước Tết đến nay, đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh.
Từ Tết đến nay, Công ty Vận tải Cường Thắng liên tục phải “giải trình” giá cước với khách hàng vì lý do giá xăng tăng. Mặc dù nhu cầu vận tải dịp trước và sau Tết tăng cao, tuy nhiên mức giá cước cũng không thể tăng quá nhiều bởi việc đàm phán mất nhiều thời gian và không phải khách hàng nào cũng thông cảm.
“Chúng tôi liên tục phải cập nhật giá cước mới, bởi tính đến nay, sau 4 lần tăng giá xăng, chi phí cho vận tải đã tăng lên khoảng 15-20%, đây là con số không nhỏ cho một đơn hàng vận tải lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu tăng giá cước quá cao, doanh nghiệp sẽ mất khách hàng hoặc nếu tăng không hợp lý, chúng tôi sẽ thua lỗ,” bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho hay.
Cũng theo ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận chuyển Á Châu, trước Tết Nguyên đán, công ty đã tăng giá cước khi giá xăng có biến động tăng mạnh và hầu hết các khách hàng đã đồng ý, Nhưng đến nay, giá xăng tiếp tục tăng mạnh khiến doanh nghiệp rất khó xử.
“Các khách hàng đã đàm phán tăng giá cước trước đó sẽ không thể tiếp tục tăng. Còn các đối tác còn lại, chúng tôi phải cân đối mức giá tương ứng mới có thể tính toán tăng giá cước cho hợp lý với thời điểm hiện tại,” ông Thành nói.
Cùng chung tình trạng này, anh Nguyễn Anh Tú, hoạt động lái xe taxi sân bay Nội Bài-Hà Nội cho hay, giá xăng tăng mạnh từ trước Tết đến nay là hơn 3.500 đồng/lít, chiếm tới gần 15% giá trước đó. Nếu mỗi ngày chạy khoảng 100km, chi phí giá xăng trong một tháng tăng khoảng 1 triệu đồng.
Trong khi cước chạy không đổi, nhiều anh em lái xe đã phải dừng chạy tuyến, bởi nhiều chi phí khác như gửi xe, ăn uống, hao mòn khiến thu không đủ bù chi.
Các doanh nghiệp vận tải cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã liên tục tăng theo mức giá thế giới, đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay, mức giá tăng đã đạt gần 50%. Khi giá xăng dầu tăng khoảng 30-40%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh cước vận tải khoảng 10%. Nhưng hiện nay giá xăng dầu tiếp tục trong xu thế tăng giá khiến doanh nghiệp thận trọng khi tính toán mức tăng, bởi nếu không sẽ mất khách hoặc thua lỗ.
Các doanh nghiệp vận tải cho hay, họ đều rất ngại khi đề cập vấn đề tăng giá cước với khách hàng, bởi đều là những đối tác lâu năm, nhưng nếu không tăng, chắc chắn sẽ lỗ nhiều vì giá xăng thời gian qua tăng quá nhanh.
Không chỉ vận tải hàng hóa, lĩnh vực vận tải hành khách cũng đang chịu nhiều tác động từ giá xăng tăng, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.
Xăng dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.
"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách hàng sụt giảm mạnh hơn," ông Hùng nói.
Giá xăng tăng cao kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Cước vận tải chiếm tới 40% trong cấu thành giá vận tải, do vậy, khi giá xăng tăng mạnh hơn 10% chỉ trong vòng hai tháng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho biết, để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản chi phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Có chăng, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng việc cắt giảm các thuế, phí để hạ giá thành xăng dầu, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, giá xăng dầu tăng khiến nhiều lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều chuyên gia nhận định, với mức tăng của giá xăng, mặt bằng giá cước vận tải mới sẽ được hình thành và tác động tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch COVID-19.
Để hạn chế tác động từ giá xăng, nhiều đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng nhiều công nghệ đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ kinh doanh.
Có những doanh nghiệp logistics chi phí xăng dầu chiếm 40-45% trong tổng chi phí thực hiện một đơn hàng, do vậy khi giá xăng dầu tăng bắt buộc phải tính toán điều chỉnh giá cước, nhưng việc này cũng gặp khó bởi nguy cơ mất đơn hàng, nhất là với những hợp đồng đã ký thì việc thay đổi giá cước là không đơn giản, khó được chấp nhận.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang phải tìm cách giảm giá thành sản xuất hoặc chịu giảm lợi nhuận để đảm bảo cam kết với khách hàng.
Doanh nghiệp khó khăn là vậy trong khi cuộc sống của ngư dân cũng "khốn đốn" bởi giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây. Nhiều tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải hủy kế hoạch ra khơi đầu năm do chi phí đội lên cao, trong khi ngư trường đánh bắt lại ngày càng cạn kiệt, giá hải sản lại không cao.
Theo nhiều ngư dân, với giá xăng dầu tăng như hiện nay, bình quân mỗi chuyến biển chi phí của ngư dân phải tăng thêm từ 20-25%. Nếu như vào những năm trước - thời điểm ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu phấn khởi vì được mùa được giá thì năm nay ngư dân lại phải lo làm sao đủ bù các phí tổn cho mỗi chuyến biển.
Vừa trải qua một năm khó khăn do dịch COVID-19, nhiều tàu thuyền tại huyện Đất Đỏ buộc phải nằm bờ khi đang trong mùa đánh bắt vụ cá Nam. Tưởng rằng đầu năm 2022, nghề biển sẽ khởi sắc, nhưng xăng, dầu lại có sự điều chỉnh tăng mạnh từ giữa trung tuần tháng Hai, khiến ngư dân càng thêm bất an.
Tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, để đảm bảo duy trì việc ra khơi, nhiều ngư dân đang phải tính toán ngược xuôi, giảm thời gian, số chuyến đánh bắt để tránh thua lỗ cho mỗi chuyến biển.
Ông Huỳnh Anh Vũ, ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, gia đình ông hiện có 7 chiếc tàu công suất từ 90-250CV làm nghề bẫy mực. Việc giá nhiêu liệu liên tục biến động khiến việc ra khơi của gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, để duy trì nghề truyền thống của gia đình và giữ chân được lao động ông vẫn phải tiếp tục cho tàu ra khơi dù hầu như các chuyến đều không có lãi.
"Giá xăng dầu tăng mạnh khiến dân biển chúng tôi khốn đốn vì chi phí đánh bắt bị đội lên, thu nhập thì giảm sút. Giờ nói đi ra khơi ai cũng sợ lỗ. Giá hải sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giảm, trong khi đó giá nhiên liệu tăng cao, nên chi phí mỗi chuyến tàu bị đội lên từ 3-4 triệu đồng với những tàu có công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, còn tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chi phí đội lên cả chục triệu đồng," ông Vũ bày tỏ.
Còn tại cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền mặc dù mới đầu năm nhưng không khí vắng lặng, chỉ lác đác người qua lại không sôi nổi như thường lệ, đa số các tàu cá vẫn chưa ra khơi do thời gian qua giá xăng tăng cao, ngư dân sợ chẳng thể bù lỗ. Nhiều con tàu thân bị hoen rỉ do đã phải nằm bờ từ 3-4 tháng nay.
Nhiều tàu cá đã nằm bờ 3-4 tháng nay do giá xăng tăng cao. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Ông Nguyễn Thanh Minh, ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, từ đầu tháng Chạp tới nay, tàu cá của ông vẫn nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao.
Theo tính toán của ông Minh, trung bình mỗi chuyến đi từ 15-20 ngày, tàu ông sẽ chi phí hết khoảng 100-120 triệu đồng, song từ ngày xăng dầu tăng, chi phí đã dội lên tận 200 triệu đồng, trong khi đó, sản lượng hải sản thu về chỉ khoảng được 1 tấn cho mỗi chuyến đi, không đủ để chi phí chứ chưa nói gì tới lời lãi.
Không riêng gì tàu của gia đình ông Minh, hàng trăm tàu cá tại xã Phước Tỉnh hiện đang phải nằm bờ vì đánh bắt không có lãi. Tàu cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tới, cũng đã nằm bờ 3-4 tháng nay bởi lý do trên. Ông Tới cho hay, với những tàu công suất càng lớn, đi càng dài ngày như tàu của gia đình ông thua lỗ càng lớn. Riêng trong năm 2021, gia đình ông đã lỗ hàng trăm triệu đồng cho 5 tàu cá đánh bắt xa bờ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.800 tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác hải sản hàng năm vẫn đóng góp một nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm... đã khiến hàng trăm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh phải "nằm bờ" vì lo thua lỗ nếu tiếp tục ra khơi.
Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ..., nhằm khuyến khích ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển giữa lúc bộn bề khó khăn.
Theo ĐỨC DŨNG - HOÀNG NHỊ (TTXVN/Vietnam+)