Xanh hóa, số hóa ngành logistics

03/05/2025 - 08:05

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và chuỗi cung ứng toàn cầu biến động không ngừng, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hai trụ cột chiến lược là logistics số và logistics xanh sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh CÔNG PHONG)

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh CÔNG PHONG)

Bộ Công thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025- 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12-15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15-20%/năm. Đồng thời, logistics sẽ được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia với 30% số phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% số doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.

Nâng cao hiệu suất, giảm chi phí

Đánh giá hiện trạng ngành logistics Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Ngành logistics thời gian qua đã có sự phát triển nhanh, trở thành ngành dịch vụ đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động ngành logistics cũng đang phải đối mặt với không ít hạn chế.

Đó là dù thị trường logistics đã dần được mở rộng, nhưng cơ bản chỉ loanh quanh thị trường nội địa, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Cơ sở hạ tầng logistics còn yếu kém, chưa đồng bộ, phân tán và thiếu tính kết nối, hạn chế sự phát triển và dẫn đến chi phí logistics cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics dù tăng nhanh, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Trong khi nguồn nhân lực cho ngành vừa thiếu lại vừa yếu, rất ít được đào tạo chuyên nghiệp về hoạt động logistics.

Để phát triển ngành logistics trong thời gian tới, theo ông Nghiêm, trước hết cần tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển logistics. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại. Các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết; chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, Giám đốc LEX Việt Nam (tiền thân là Lazada Logistics) Phạm Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: Trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, logistics đã trở thành một ngành dịch vụ công nghệ cao. LEX Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến internet vạn vật (IoT) hay hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để tự động hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong đó, hệ thống AI được tích hợp trong tất cả các khâu từ dự báo đơn hàng, tối ưu hóa tuyến giao hàng, điều phối kho vận đến phân tích hành vi tiêu dùng.

Thông qua AI và Big Data, LEX Việt Nam đã xây dựng các mô hình dự báo đơn hàng theo thời gian thực một cách chính xác, giúp cho việc điều phối nguồn lực hiệu quả trong mùa cao điểm hoặc trong các chiến dịch khuyến mãi lớn. Kho thông minh trong Trung tâm chia chọn tự động của công ty tại Bình Dương cũng được tự động hóa đến 99% bằng các công nghệ mới nhất để cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng nhanh và đáng tin cậy.

Có thể thấy, nhờ các công nghệ mới tập trung vào AI, Big Data hay Machine Learning (máy học), nhiều mô hình kinh doanh mới như giao hàng tức thời hoặc giao hàng theo khung giờ đã ra đời và được áp dụng thuận lợi. Cùng với đó, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp logistics tăng tốc độ xử lý và đóng gói đơn hàng trong kho, giảm sai sót, tối ưu thời gian giao hàng, từ đó nâng cao năng suất, giảm bớt chi phí và tối ưu vận hành.

“Doanh nghiệp logistics Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics số với sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo”, ông Quang đề xuất.

Tích hợp vận tải đa phương thức

Nhấn mạnh xanh hóa là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, là điều kiện bắt buộc để hội nhập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Macstar Cáp Trọng Cường cho biết: Xanh hóa logistics hiện là vấn đề mang tính sống còn đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực vận tải, cảng biển, kho bãi phải chủ động chuyển đổi xanh sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thách thức cho chuyển đổi xanh cũng rất lớn. Đó là hành lang pháp lý, các quy chuẩn, quy định, chế tài và cơ chế thúc đẩy chuyển đổi xanh vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều thiếu vốn để đầu tư vào công nghệ, phương tiện xanh; thiếu các giải pháp cụ thể và nhất là nguồn nhân lực cho chuyển đổi xanh do tình trạng khan hiếm chuyên gia về phát thải, công nghệ môi trường... Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chí logistics xanh quốc gia, đồng thời có các chính sách tài chính ưu đãi như tín dụng xanh, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Cũng theo ông Cường, một giải pháp để thúc đẩy xanh hóa ngành logistics hiệu quả là tận dụng lợi thế của vận tải thủy. Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc cùng đường bờ biển dài, là tiềm năng lớn để phát triển vận tải ven biển cũng như vận tải thủy nội địa. Vận tải thủy còn giúp giải toả áp lực cho đường bộ và tối ưu hóa chi phí, nhất là cho container và hàng khối lượng lớn. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Macstar, sử dụng vận tải thủy còn giúp giảm phát thải tới 70% so với vận tải đường bộ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Logistics Quốc tế Bắc Giang Trương Thị Mùi cho rằng: Tại Việt Nam hiện nay, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo (70-75%) khiến chi phí logistics bị đẩy cao, hệ thống logistics cũng dễ chịu tổn thương trước biến động giá nhiên liệu hay tình trạng ùn tắc. Ngược lại, các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy vốn có nhiều tiềm năng lại chưa được phát huy tương xứng do thiếu liên kết hạ tầng, quy hoạch manh mún và công nghệ lạc hậu.

Đơn cử như vùng trung du miền bắc có lợi thế lớn để kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt trong hoạt động logistics, nhưng hiện tại các phương thức này vẫn phát triển rời rạc. Việc tích hợp vận tải đa phương thức với hệ thống kho thông minh, xây dựng chuỗi cung ứng đa tầng sẽ giúp giảm 10-15% chi phí logistics cho các ngành hàng chủ lực như thương mại điện tử, dệt may, điện tử.

Hiện nay, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đang xây dựng trục liên vùng dựa trên vận tải đa phương thức. Theo đó, Trung tâm đã kết nối trực tiếp với các tuyến cao tốc huyết mạch Hà Nội- Bắc Giang-Lạng Sơn, đồng thời triển khai sản phẩm logistics toàn trình từ Nam Ninh (Trung Quốc) về ga Yên Viên (Hà Nội) với điểm dừng trung chuyển tại ga Kép (Bắc Giang).

Tuy nhiên, đáng tiếc là cơ sở hạ tầng đường sắt của ga Kép hiện chưa đáp ứng được yêu cầu để hình thành một sản phẩm vận tải đường sắt cạnh tranh thực thụ. Ngoài ra, hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam cũng đang được nghiên cứu tích hợp để hình thành trục logistics thủy- bộ-sắt, mở ra hướng đi mới cho chuỗi cung ứng liên tỉnh và xuyên biên giới.

Bà Mùi kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho vận tải đường thủy và đường sắt. Bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn được tham gia đầu tư một cách bài bản với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để xây dựng được các hệ thống logistics đa phương thức hiện đại, đem lại lợi ích chung cho sự phát triển của toàn ngành.

Với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống logistics xanh- thông minh-kết nối toàn trình, tạo bước nhảy vọt cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Theo NHẬT MINH (Nhân dân)