Xanh ngắt Tà Pạ

12/02/2024 - 13:45

 - Tà Pạ là ngọn núi nhỏ ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi những màu xanh ngăn ngắt hòa quyện vào nhau, cứ tĩnh lặng an yên ngày qua ngày.

Chùa núi Tà Pạ (Wat Phnom Tà Pạ) nổi tiếng bởi tọa lạc ở nơi “bồng lai tiên cảnh”, nằm giữa lưng chừng trời. Những chiếc cột khổng lồ nâng đỡ, giúp ngôi chùa trông xa như đang lơ lửng, nổi bật giữa vùng rừng núi hoang sơ.

Sau nhiều năm xây dựng, chùa trở thành công trình đồ sộ uy nghi, đắp nối nhiều tranh tượng, phù điêu lớn nhỏ, mang tính nghệ thuật cao. Để lên được chùa, cần phải vượt qua 240 bậc thang thoai thoải. Đi tới đâu, gió mát xứ núi xua tan mệt nhọc đến đó.

Những bức tượng Phật được chế tác tinh xảo, có hồn, mang lại cảm giác tĩnh lặng, bình yên cho người trần - vốn lắm nỗi phiền não, lo toan.

Trên nền trời xanh, mái chùa, ngọn tháp vươn mình mạnh mẽ, khắc sâu vào tâm tưởng con người về sự hòa hợp giữa bàn tay, khối óc của nghệ nhân và thiên nhiên rộng lớn.

Ngôi chùa Phật giáo Nam Tông này mang đầy đủ đặc trưng của kiến trúc tôn giáo Khmer, nét xưa cũ trăm năm xen lẫn màu sắc hiện đại mới vừa được tu bổ.

Từng góc nhỏ trong chùa thay nhau kể câu chuyện phong phú về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Bảy Núi.

Từ trên chùa nhìn xuống là những khoảnh ruộng bạt ngàn. Khi vào mùa lúa, tất cả chuyển sang màu xanh mơn mởn rồi màu vàng trĩu hạt, vẽ nên bức họa đồng quê tuyệt đẹp.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tà Pạ trở thành điểm đến của đông đảo du khách xa gần. Không gian rộng rãi có thể chứa hàng ngàn người mà không gây cảm giác bức bí, chen chúc.

Ngoài cảnh đẹp, nhiều góc “check-in”, “sống ảo” phù hợp thị hiếu giới trẻ, Tà Pạ còn phản ánh đời sống tinh thần gắn liền với chùa chiền của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer địa phương. Mọi nhịp sinh hoạt, mua bán của người dân và sư sãi vẫn diễn ra một cách bình yên, chậm rãi.

Đây cũng là nơi mưu sinh của nhiều người dân. Họ không cần nghỉ Tết, bởi Tết của họ gắn liền với “mua may bán đắt”, với khách du lịch nhộn nhịp. Bà Tư (50 tuổi) chia sẻ: “Tôi bán kem ở đây tính ra mười mấy năm rồi chứ ít gì. Mấy bữa lễ, Tết, khách đông lắm, bán không xuể. Nhìn thấy mọi người đi chơi, tôi cũng vui lây, chỉ đường cho khách tham quan chỗ này, chỗ nọ”.

Nếu đã đến Tà Pạ, du khách không thể nào không ghé hồ Tà Pạ nằm cạnh chùa, nơi được ví như “Tuyệt tình cốc”, là “hồ trên núi” đặc sắc của An Giang. Địa điểm khai thác đá ngày xưa được thiên nhiên “vẽ lại” thành hồ nước trong xanh phẳng lặng, đối lập với từng thành đá, mỏm đá lởm chởm, cùng “ốc đảo” cây xanh mát mắt.

Ngày thường, hồ Tà Pạ đã thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh rất đông, nói gì đến ngày Tết. Nắm bắt nhu cầu du lịch, nhiều người dựng quán ăn uống ven hồ, mở các tiểu cảnh, cho thuê trang phục Khmer, chụp ảnh lấy liền… Mong rằng, Tà Pạ sẽ giữ được những màu xanh riêng có, để mãi mãi là điểm đến hàng đầu của du khách yêu thiên nhiên kỳ thú.

GIA KHÁNH