Giàu về văn hóa
“Với những đặc điểm về dân tộc, tôn giáo, sự giao thoa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế cùng với những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống, đã góp phần tạo cho An Giang một diện mạo văn hóa mang đậm dấu ấn riêng, một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Mỗi tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có giáo lý và nghi lễ riêng, nhưng mẫu số chung là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn cao cả. Chính sự đoàn kết giữa các tôn giáo, dân tộc đã tạo môi trường để phát huy những giá trị tích cực, đóng góp thiết thực cho xã hội” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Thành Sĩ khẳng định.
An Giang hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer). Đây là nguồn tài nguyên quý giá của địa phương góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc phát triển du lịch từ di sản văn hóa.
Toàn tỉnh An Giang có 11 tôn giáo được nhà nước công nhận (trong khi cả nước có 16 tôn giáo), có 523 cơ sở thờ tự, với hơn 80% dân số của tỉnh là tín đồ các tôn giáo. Đồng bào DTTS chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào DTTS Chăm chiếm 0,6% dân số, gắn với Hồi giáo (Islam).
Đồng bào DTTS Khmer chiếm gần 4% dân số, gắn với hệ phái Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Người Hoa chiếm gần 0,3% dân số, phần lớn theo đạo Phật. Từ đó hình thành những giá trị văn hóa, đạo đức phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống và công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.
Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi lại dấu ấn, chiến tích hào hùng của dân tộc: như: Núi Sam, núi Cấm, Khu di tích miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Tây An, đồi Tức Dụp, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc... An Giang đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến địa phương thông qua tour, tuyến du lịch, tổ chức lễ hội, góp phần quảng bá giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.
Mạnh ở tinh thần
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne, qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp đã chú trọng lồng ghép thực hiện hiệu quả chương trình, dự án, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào DTTS. Nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho người dân vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đã được triển khai hiệu quả, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình.
Đó là ông Ngan Minh Nhơn (dân tộc Hoa, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) vận động tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc, tập vở, đồng phục học sinh, mua bảo hiểm y tế, phương tiện học tập cho các em thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tổng giá trị vật chất và tiền mặt 350 triệu đồng/năm.
Ông Chau Kok (dân tộc Khmer, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) tự vươn lên thoát nghèo bằng trồng dừa, xoài, hoa màu ngắn ngày, thu nhập mỗi năm khoảng 180 triệu đồng trên 2ha đất. Ông Sa Les (dân tộc Chăm, Trưởng ban Nhân dân ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, “Tương thân tương ái”, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình đầu tư phát triển kinh tế…
“Tôn giáo luôn phản ánh khát vọng về hạnh phúc của con người. Đạo Phật chủ trương: Một đời sống đạo đức là một đời sống hạnh phúc. Hồi giáo cũng cùng lối tư duy trên. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “nơi trần thế”: Lo cho đồng bào ta ấm no phần xác, thong dong phần hồn, bằng cách tạo sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào có đạo ủng hộ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, chung tay với hệ thống chính trị thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh An Giang Nguyễn Phú chia sẻ.
Tại hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo” vừa được tổ chức tại An Giang, bà Nguyễn Thị Thu Hoài (Phó Vụ Trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định: “Việc phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Xác định công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; cần phải tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo”.
Trong tuyên truyền, bảo tồn, phát huy giá trị tích cực của các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, tỉnh An Giang cần bám sát yêu cầu thực tiễn của đồng bào DTTS và đồng bào các tôn giáo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực sản xuất - kinh doanh (nhất là phát triển kinh tế, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cho bà con DTTS); tuyên truyền mô hình hay, cách làm sáng tạo trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con tạo ra đặc sản, hàng hóa có giá trị cao.
VẠN LỘC