Xây dựng điểm sáng văn hóa biên giới

23/05/2024 - 06:46

 - An Phú là huyện đầu nguồn sông Hậu, có hơn 42,5km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” đạt nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Những năm qua, việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; các nội dung phong trào gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Qua đó, việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” đạt nhiều kết quả.

Huyện An Phú có 8 xã, thị trấn biên giới với 34 ấp đạt chuẩn văn hóa (trong đó 28 ấp được công nhận “Điểm sáng văn hóa biên giới”, đạt tỷ lệ 82,35%), số hộ đạt danh hiệu “Gia đình đạt chuẩn văn hóa” ở các xã, thị trấn biên giới là 22.646 hộ (chiếm 49,56% số hộ toàn huyện).

Toàn huyện có 4 xã NTM, gồm: Khánh An, Khánh Bình, Phước Hưng, Đa Phước (nay là thị trấn Đa Phước); 58/58 ấp có quy ước “Ấp đạt chuẩn văn hóa”; 118 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa; 8/8 chợ trật tự vệ sinh, văn minh.

Cán bộ phụ nữ, đoàn viên và học sinh được giới thiệu về Cột mốc biên giới 260 (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú)

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện An Phú Lý Thị Tuyết Trinh cho biết, hàng năm, phòng tham mưu UBND huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và đăng ký thực hiện duy trì xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”; triển khai quy định chi tiết tiêu chuẩn, thủ tục xét và công nhận “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; phối hợp UBMTTQVN huyện hướng dẫn xây dựng quy ước “Ấp đạt chuẩn văn hóa” trên địa bàn huyện. Vận động Nhân dân thực hiện việc tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội theo đúng quy định của Nhà nước.

Thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể là thành viên của ban chỉ đạo và 5 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện tổ chức phong trào theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn duy trì, công nhận các danh hiệu văn hóa, tổ chức các hoạt động củng cố và nâng chất phong trào…

Trên địa bàn huyện có 3 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, 59 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, 2 CLB đàn ghita thùng, 1 CLB sân khấu, 198 CLB thể dục - thể thao... Có 14 lớp phổ cập bơi, 14 lớp năng khiếu hè, tổ chức thi đấu 8/9 giải cấp huyện; số người tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên hơn 32%... Hệ thống Đài Truyền thanh đã phủ 58/58 ấp (đạt 100%), thường xuyên tuyên truyền đến Nhân dân (3 buổi/ngày, thời lượng 5 phút/buổi) về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số; cổ vũ, động viên thực hiện chính sách; đấu tranh ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định biên giới…

 “Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó, người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định biên giới, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc” - ông Salayman (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm) cho biết.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện An Phú Lý Thị Tuyết Trinh, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện xây dựng và duy trì ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Đổi mới nội dung, cách làm để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc xây dựng, duy trì “Điểm sáng văn hóa biên giới” với nội dung tuyên truyền xây dựng NTM, phát huy nguồn lực của Nhân dân để giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu và gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân chung của cộng đồng.

Đồng thời, nâng chất lượng xây dựng và tổ chức tốt việc đăng ký, bình xét công nhận “Gia đình đạt chuẩn văn hóa”; biểu dương, khen thưởng “Gia đình đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu xuất sắc” hàng năm. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích