Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là tư tưởng bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết cộng đồng của dân tộc, từ tư tưởng đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là sự kế thừa những kết quả của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động, được nâng lên với nội dung và tầm cao mới.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, của các cấp, ngành, các đoàn thể và chính quyền địa phương. Phong trào đã diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước khác, trở thành động lực mạnh mẽ, xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, làng, xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, phấn đấu theo tiêu chuẩn con người mới Việt Nam XHCN, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong xây dựng và phát triển đất nước.
Qua hơn 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Tại An Giang, đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa (đạt 94% tổng số hộ); 879 khóm, ấp văn hóa (đạt 100%); 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (đạt 75%); 27 phường, thị trấn văn minh đô thị (đạt 72,97%).
Năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh An Giang công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới” 5 năm liền tại các xã: Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), Tân Hòa (huyện Phú Tân), Bình Chánh (huyện Châu Phú); danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” 5 năm liền tại các phường, thị trấn: Mỹ Xuyên, Mỹ Long, Mỹ Phước (TP. Long Xuyên), Phú Mỹ (huyện Phú Tân), Cái Dầu (huyện Châu Phú). Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2022 tại huyện Tịnh Biên cho 210 cán bộ, công chức ngành văn hóa cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh còn tổ chức thành công tọa đàm “Chiến sĩ quân hàm xanh vì bình yên miền biên giới” năm 2022 và Liên hoan Tiếng hát từ biên giới tỉnh An Giang lần thứ V/2022. Ngành chuyên môn đã phát hành ấn phẩm tuyên truyền văn hóa và ẩm thực vùng biên giới về các huyện, thị xã, thành phố; bàn giao 5 pa-nô tuyên truyền “Điểm sáng văn hóa biên giới” cho các địa phương tại các huyện, thị xã, thành phố biên giới.
Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cho các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh đã có 684 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 624 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 393 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh...
Tỉnh đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11). An Giang tham dự Ngày hội “Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ” lần thứ III/2022 tại tỉnh Bạc Liêu.
Nhiều phong trào của các ngành, đoàn thể ở An Giang đang phát huy hiệu quả, như: “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Xây dựng trường học xanh sạch đẹp”; “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đơn vị lực lượng vũ trang”; “Xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa thời kỳ mới trong Quân đội nhân dân Việt Nam”…
ThS NGUYỄN THUẬN THẢO