Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), những năm qua, nhờ sự phối hợp tích cực của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 5 địa phương biên giới (huyện An Phú, Tri Tôn, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc) cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân nên việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” và các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao vùng biên đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; các nội dung phong trào gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Ở 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới có trên 42.400 hộ “Gia đình văn hóa”, 73/73 khóm, ấp văn hóa; 48 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới”, 4 xã NTM, 1 xã văn hóa NTM, 1 xã NTM nâng cao, 1 phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương còn triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong thực thi các chính sách pháp luật về công tác dân tộc, VH-TT&DL và gia đình; tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thu hút, phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, số liệu thống kê về hoạt động du lịch qua các cửa khẩu đường bộ.
Hàng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương biên giới và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức ngày hội, liên hoan VH-TT&DL, các chương trình văn hóa - nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, còn đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc và VH-TT&DL, gia đình; tập huấn nâng cao năng lực trong công tác VH-TT&DL, gia đình cho các nghệ nhân, người có uy tín, trưởng khóm, ấp biên giới, vùng có đông đồng bào DTTS. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho hệ thống trung tâm văn hóa các địa phương từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia...
Ông Phạm Văn Minh (ngụ xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) cho biết: “Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa bàn biên giới không ngừng được nâng lên. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho người dân, kịp thời giúp đỡ những gia đình khó khăn và tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao nhân dịp lễ, Tết”.
6 tháng đầu năm 2024, Sở VH-TT&DL phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương liên quan khảo sát và lắp đặt 6 pa-nô tuyên truyền, thay mới 6 pa-nô bị xuống cấp tại các xã, thị trấn biên giới. Ngoài ra, sở triển khai công tác phúc tra, đánh giá ấp NTM tại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú), ấp Phú Lợi và ấp Phú Quới (xã Phú Hữu, huyện An Phú). Thẩm định xét, công nhận xã Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc), xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) đạt chuẩn xã NTM nâng cao… Thông qua các hoạt động đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, thời gian qua, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện và duy trì ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Quan tâm đổi mới nội dung, cách làm để nâng cao chất lượng và hiệu quả “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với tuyên truyền xây dựng NTM, NTM nâng cao. Đồng thời, tổ chức tốt việc đăng ký, bình xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khóm/ấp văn hóa”. Hàng năm, tổ chức biểu dương, khen thưởng “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa vùng biên lành mạnh, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là khu vực biên giới.
Với phương châm gần dân, sát cơ sở, nắm vững địa bàn, các chiến sĩ mang quân hàm xanh không ngại khó, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nơi biên giới thực hiện tốt Luật Biên phòng Việt Nam; xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; xóa bỏ các hủ tục gắn với xây dựng gia đình văn hóa, khóm/ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa NTM; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch...
Việc thực hiện xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng biên giới. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức Nhân dân trong việc sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội khu vực biên giới. Thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp các cấp, ngành, địa phương biên giới thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, tăng cường các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên… nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động “Điểm sáng văn hóa biên giới”.
MINH THƯ