Xây dựng hệ giá trị văn học - nghệ thuật Việt Nam hiện nay

25/08/2022 - 07:09

 - Tại hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật (VHNT) trước yêu cầu đổi mới” do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức, GS.TS Hồ Sĩ Quý (Ủy viên Hội đồng, nguyên Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã đóng góp một số định hướng và giải pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh nhiều nhất về xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Ra mắt sách và giao lưu nhà văn trẻ Lê Quang Trạng tại An Giang

GS.TS Hồ Sĩ Quý cho rằng, trong nhiều giá trị tốt đẹp, mỗi dân tộc cần xác định hệ giá trị cốt lõi. Hệ giá trị người Việt có thể khái quát là yêu nước, hiếu học, cần cù lao động, trách nhiệm với cộng đồng… Vấn đề này đã được đặt ra tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện nghị quyết này, rất nhiều vấn đề bức xúc về con người và văn hóa đã bộc lộ.

Bộ Chính trị chỉ ra, trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như: Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hoá đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Còn ít tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. 

Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng hệ giá trị, một lần nữa được đặt ra. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Như vậy, trong hệ tương quan với hệ giá trị (giá trị quốc gia, văn hóa, chuẩn mực con người, giá trị con người Việt Nam), việc xây dựng hệ giá trị VHNT nằm trong xu thế và bối cảnh này. Từ đây, nhiệm vụ của VHNT vốn khó, lại càng khó khăn hơn.

GS.TS Hồ Sĩ Quý hy vọng, việc xây dựng hệ giá trị chuẩn có thể giải quyết căn bản vấn đề của đời sống thực tiễn. Để xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam cho giai đoạn hiện nay, trước hết phải đề xuất được 1 công thức đủ thuyết phục, tức là xác định được hệ các giá trị có sức thu hút, đáp ứng mong đợi chính đáng của nền văn nghệ, có thể định hướng đối với hoạt động của VHNT.

Cái được xây dựng phải đủ sức thu hút để dẫn dắt văn nghệ sĩ và toàn bộ hoạt động VHNT đi theo định hướng sáng suốt của nó. Hệ giá trị được xây dựng cũng không nên quá xa vời, mà phải đủ thực tế để nắm bắt được dòng chảy bình thường của văn hóa - văn nghệ nước nhà, trong tương quan với văn hóa bên ngoài; sao cho tình trạng “không giống ai” ngày một bớt đi, tác phẩm VHNT giá trị hơn, nghệ sĩ tài năng đông đảo hơn, đời sống hiện thực được phản ánh sâu sắc hơn...

Việc xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam, về thực chất, là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và cho bản thân nghệ thuật. Với yêu cầu như vậy, hệ giá trị VHNT Việt Nam, một mặt cần bao gồm những giá trị phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của VHNT Việt Nam. Nhưng mặt khác, cũng không được phép lảng tránh trách nhiệm, tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội và đời sống văn nghệ hiện nay.

“Một yêu cầu khác, có tính chất sống còn đối với VHNT giai đoạn hiện nay là tạo điều kiện để văn nghệ sĩ có tác phẩm hay, giá trị, trường tồn với thời gian. Bởi lẽ, VHNT còn lại với thời gian chỉ là tác phẩm và tác giả. Nếu một nền văn nghệ thiếu vắng tác phẩm đáng giá, không có được tác giả đáng để cho đời sau ngưỡng mộ, thì nền văn nghệ đó không thể làm tròn sứ mệnh của mình. Bản thân đời sống xã hội sẽ rất tự nhiên giữ lại cho xã hội những tác phẩm hay, phản ánh được hiện thực cùng với những văn nghệ sĩ tài ba, yêu dân, yêu Tổ quốc và yêu nghệ thuật” - GS.TS Hồ Sĩ Quý nhận định.

Với những ý kiến đã đóng góp, GS.TS Hồ Sĩ Quý đề xuất phương án cho “Hệ giá trị VHNT Việt Nam” giai đoạn hiện nay chính là “Nhân dân, Tổ quốc và Tác phẩm”, cùng nhiều kỳ vọng thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ có thêm động lực, định hướng đúng đắn hơn trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần xây dựng hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới.

TRÚC PHA