Phối hợp khai thác giá trị cá tra
Dù gặp những khó khăn nhất định nhưng năm 2020, cá tra vẫn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Loài cá đặc hữu của vùng ĐBSCL này được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến vùng ĐBSCL, nhất là hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn thì 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp vẫn là những địa phương có lợi thế lớn nhất trong phát triển nghề nuôi, chế biến cá tra.
Trong đó, khu vực cồn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, An Giang) và cồn Chính Sách (xã Thường Phước 1, TX. Hồng Ngự, Đồng Tháp) cùng nằm ở đầu nguồn sông Tiền, rất thuận lợi về nguồn nước, điều kiện lý tưởng cho cá tra sinh sản, cho chất lượng con giống tốt. Những yếu tố này sẽ giúp phát triển nơi đây thành trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao cũng như cá tra thương phẩm công nghệ cao.
Chính vì lý do trên mà UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét, phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung của Dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao cồn Chính Sách và cồn Vĩnh Hòa. Dự án có quy mô khoảng 500ha, dự kiến tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Trước đó, UBND 2 tỉnh đã thống nhất quy hoạch toàn bộ diện tích cồn Vĩnh Hòa và cồn Chính Sách để sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, cung cấp cho 2 tỉnh và vùng ĐBSCL.
Đoàn công tác An Giang đến thăm trụ sở Công ty CP Vĩnh Hoàn
Cuối năm 2018, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và cắt băng khánh thành Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc ở cồn Vĩnh Hòa (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), khẳng định tầm quan trọng của khu vực này. Thủ tướng đánh giá đây là bước ngoặt quan trọng để ngành cá tra An Giang và vùng ĐBSCL phát triển vượt bậc. Thông qua đầu tư mạnh vào lĩnh vực cá tra giống, Thủ tướng mong muốn An Giang sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng, góp phần xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Nhằm thể hiện quyết tâm đầu tư lớn, Tập đoàn Việt Úc đã thành lập Công ty Cổ phần (CP) cá tra Việt Úc ngay tại cồn Vĩnh Hòa, giai đoạn đầu cung ứng 1 tỷ con giống/năm cho thị trường.
“Thay đổi nhận thức với cá tra”
Qua chính sách thu hút đầu tư của UBND tỉnh An Giang, Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) đã thành lập và đặt trụ sở Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn tại ấp Vĩnh Bường (cồn Vĩnh Hòa), đồng thời tập trung triển khai dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại đây. Với quy mô diện tích 48,3ha, dự án đặt mục tiêu cung cấp 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống/năm.
Trước những khó khăn của ngành cá tra trong “cơn bão” COVID-19, buộc những doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn phải thay đổi cách thức sản xuất với loài cá nhiều tiềm năng này. “Cần thay đổi nhận thức với cá tra” là thông điệp được bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vĩnh Hoàn), lặp đi lặp lại khi xây dựng mô hình nuôi tuần hoàn cá tra.
“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành Dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa sớm nhất có thể. Đồng thời, xây dựng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn công nghệ cao, “tiêm” vaccine cho cá ngay tại trại giống, không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Chúng tôi quyết tâm tạo đột phá cho ngành hàng cá tra, xây dựng dự án Vĩnh Hòa không chỉ là trung tâm sản xuất cá tra giống, ứng dụng công nghệ cao mà còn là điểm dừng chân du lịch nông nghiệp cho mọi người đến tham quan, nghiên cứu” - bà Khanh nhấn mạnh.
Cùng với khởi công nhà máy thức ăn công suất 350.000 tấn/năm, Công ty CP Vĩnh Hoàn còn thành lập thêm Công ty Mai Thiên Thanh chuyên sản xuất phân bón hữu cơ. Theo đó, xác cá tra chết, bùn thải trong quá trình nuôi, phế phẩm trong quá trình chế biến cá sẽ được thu gom, chế biến thành phân bón hữu cơ. Cách làm này cùng với mô hình nuôi “sông trong ao” giúp hoàn chỉnh mô hình kinh tế tuần hoàn (quá trình nuôi, chế biến khép kín, không xả nước, chất thải ra môi trường xung quanh). “Cùng với xuất khẩu, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang chuẩn bị cho chương trình cá tra nội địa, dự kiến đưa ra thị trường trong nước từ 10-12 sản phẩm cá tra. Chúng tôi muốn phục vụ những sản phẩm cá tra tốt nhất cho người Việt bởi người tiêu dùng Việt Nam xứng đáng được hưởng điều đó. Đồng thời, xây dựng mã code cho sản phẩm cá tra thịt trắng, hướng đến thị trường xuất khẩu cao cấp với giá trị từ 4 USD/kg cá trở lên” - bà Khanh khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh rất ủng hộ những nỗ lực thay đổi, tái cơ cấu ngành hàng nhằm nâng tầm giá trị cá tra như cách làm của Công ty CP Vĩnh Hoàn. “Tỉnh luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Để giải quyết khó khăn về Logistics, An Giang đã làm việc với tập đoàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon về liên kết vận chuyển hàng đông lạnh, sản phẩm tươi sống. Đây là những mặt hàng phức tạp nhất nhưng nếu triển khai thương mại điện tử tốt, sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đông lạnh, trái cây, củ quả tươi” - ông Thư thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị các doanh nghiệp thủy sản bên cạnh xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao, nên nghiên cứu đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phía trên ao nuôi, nhà máy. Theo nghiên cứu, 1ha tấm pin năng lượng mặt trời có thể tạo doanh thu 4-6 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp, đóng góp ngân sách tương đương 1 tỷ đồng/năm.
|
NGÔ CHUẨN