Xây dựng nếp sống văn hóa mới

06/04/2018 - 07:00

 - Xây dựng đời sống văn hóa (VH) là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, được phát động thi đua, lồng ghép trong hầu hết các phong trào, cuộc vận động ở mỗi địa phương. Hiệu quả mang lại không chỉ nâng cao đời sống VH, tinh thần của Nhân dân, mà còn hình thành nếp sống mới ngày càng tiến bộ, tích cực.

Đi vào chiều sâu, thực chất

Tại cộng đồng dân cư, việc thực hiện nếp sống VH, văn minh được lồng ghép Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” với xây dựng nông thôn mới, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, còn có các phong trào như: thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; quan tâm những nhân tố điển hình, tiêu biểu để nhân rộng, phát huy truyền thống VH gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội.

Cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp

Những năm qua, người dân từng bước thay đổi trong nếp nghĩ và hành động, trở thành nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Trên địa bàn tỉnh An Giang xuất hiện nhiều gương người tốt - việc tốt. Nổi bật là phong trào xã hội - từ thiện, đóng góp các quỹ vì người nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, mua xe chuyển bệnh, sửa chữa lộ giao thông, xây dựng cầu nông thôn, giao thông nội đồng...

Nhiều mô hình như: treo đèn đường, hội thi kể chuyện và tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng nghĩa trang Nhân dân, thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, làm hàng rào cây xanh… không ngừng được nhân rộng và biểu dương khen thưởng.

Thông qua người thật, việc thật để lan tỏa ra cộng đồng, việc thực hiện nếp sống VH bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Trong đó, mỗi địa phương là một kinh nghiệm hay về cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại huyện Châu Phú, nổi bật là phong trào đoàn kết tương trợ, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn, Nhân dân tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện, làm các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Đến nay, huyện đã thành lập được 12 mô hình “Tổ cất nhà từ thiện- xã  hội”, 5 “Tổ làm đường giao thông nông thôn”, đồng thời là huyện đứng đầu cả tỉnh về số xe chuyển bệnh.

Còn ở “xứ đạo” Phú Tân, bên cạnh nhiều mô hình từ thiện, phong trào hiến đất làm đường được Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ năm 2011 đến nay đã đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng để xây cầu, làm đường. Người dân tích cực hiến đất trồng dược liệu, thành lập tổ cất nhà, xây cầu, tổ dặm vá đường, phối hợp cùng địa phương chỉnh trang diện mạo nông thôn sáng đẹp, hoàn thiện.

Từ hiệu quả chăm lo giáo dục, phát triển nhân tài, các địa phương như: Chợ Mới, Thoại Sơn đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình khuyến học, gia đình VH, nếp sống mẫu mực, gìn giữ truyền thống gia đình và dòng họ, đóng góp thiết thực công sức, tiền của cho sự phát triển của địa phương.

Coi trọng VH tinh thần

Trong xu thế hội nhập hiện nay, điều đáng mừng là nhiều nét đẹp VH trong cộng đồng dân cư được gìn giữ, phát huy, nhất là đời sống tinh thần, tập tục truyền thống lâu đời, sinh hoạt VH, văn nghệ (VN) dân gian. Các ngôi đình, chùa, miếu và cơ sở thờ tự là nơi kết nối tinh thần của người dân, được gìn giữ cả về cơ sở vật chất lẫn các giá trị phi vật thể.

Tham gia vào các lễ hội truyền thống, người dân thấy được sự tiến triển từ quá khứ đến hiện tại nơi vùng đất mình sinh sống. Nhờ uy tín của những bậc cao niên, các gia đình gắn kết nhau, xóa bỏ tập tục, tư tưởng lạc hậu, tích cực làm ăn. Phong trào VH-VN, thể dục - thể thao quần chúng ở từng khu dân cư, khóm, ấp… được tổ chức thường xuyên, sôi nổi, mang lại sự vui tươi, phấn khởi trong quần chúng Nhân dân.

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ góp phần vun đắp đời sống tinh thần

Các địa phương có nhiều hoạt động đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc VH dân tộc, như: giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử, di tích VH; thành lập các câu lạc bộ VH-VN, thể thao…

Với sức lan tỏa của phong trào đờn ca tài tử, toàn tỉnh có hơn 230 câu lạc bộ được hình thành, trở thành nét đẹp sinh hoạt VH truyền thống, gần gũi, mang đậm tình làng, nghĩa xóm sau những giờ lao động mệt nhọc. Đờn ca tài tử vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa được nâng chất thành một phương cách tuyên truyền chủ trương, chính sách dễ tiếp thu, dễ nhớ qua làn điệu, câu hát.

Từ hiệu quả trong một xã, Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) sinh hoạt định kỳ phổ biến các sáng tác về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã mở rộng tuyên truyền luân phiên ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Những làn điệu, lời ca ngọt ngào được các nghệ sĩ, nhạc sĩ ở xứ lụa Tân Châu, Châu Phú chuyển tải thông điệp ca ngợi quê hương, xây dựng nông thôn mới, tác động tích cực đến nhận thức của Nhân dân.

Trong đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời xây dựng đời sống VH mới đã có những tác động tích cực. Các vị sư sãi, à cha, đồng bào Khmer cao niên… gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là những cá nhân điển hình kết nối, giáo dục, hướng dẫn đồng bào học hỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển.

Bằng vốn sống, sự hiểu biết và kinh nghiệm, họ luôn là nhân tố tích cực trong các phong trào tại địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo phum, sóc. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đến nay vẫn giữ được bản sắc VH riêng, phát triển phong trào VHVN, thể dục - thể thao, nhất là những hoạt động truyền thống, các loại hình nghệ thuật đặc sắc: Dù Kê, Ch’Pay, nhạc ngũ âm.

Chùa Po Thi Vong ở xã Cô Tô (Tri Tôn) là 1 trong 5 chùa đầu tiên thí điểm mô hình chùa Khmer VH. Nơi đây trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục và thực hiện nếp sống văn minh, khuyến khích đồng bào dân tộc học 2 thứ tiếng, tổ chức tiệc cưới, tang tiết kiệm, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong phum, sóc.

Giữ gìn phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số

Trong đồng bào dân tộc Chăm, trên từng địa bàn, Ban Nhân dân ấp phối hợp chặt chẽ với Ban Quản trị các thánh đường, tiểu thánh đường, các chức sắc, chức việc phát động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xóm ấp bình yên, thực hiện tốt tự do tín ngưỡng, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội tiết kiệm và đúng quy định pháp luật.

Bà con đồng bào Chăm luôn ý thức lưu giữ những nét VH truyền thống đặc trưng như: bảo tồn tiếng nói, trang phục, nghề nghiệp, duy trì phong tục tập quán, bản sắc VH của đồng bào dân tộc. Những tập quán lạc hậu, các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi.

Tiêu biểu trong cộng đồng người Chăm là ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) giữ vững danh hiệu “Ấp VH” 18 năm liền. Bà con trong ấp luôn đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, giữ gìn trật tự xã hội ổn định, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ở tất cả 9 làng Chăm ven theo sông Hậu trên địa bàn tỉnh đều có đội VN quần chúng, chuyên phục vụ các đám tiệc, lễ, Tết và sự kiện quan trọng.

“Làn gió mới” từ các phong trào thi đua về xây dựng đời sống VH đã và đang thay đổi tích cực, biểu hiện rõ nét theo sự đổi thay từng ngày trong đời sống Nhân dân. Mỗi sự tiến bộ ở từng cá nhân, gia đình, địa phương là bước tiến góp phần cho cả cộng đồng cùng phát triển.

MỸ HẠNH