Đến tháng 8/2024, hội nông dân các cấp trong tỉnh An Giang đã hoàn thành tổ chức đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi cấp cơ sở; TX. Tịnh Biên là đơn vị đầu tiên tổ chức thành công đại hội cấp huyện.
Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tổ chức hội đối với hội viên, nông dân; khẳng định sự phát triển về tư duy, trình độ của nông dân An Giang trong việc bắt kịp xu thế thời hội nhập, thể hiện rõ qua số lượng tập thể, cá nhân đạt danh hiệu SXKD giỏi tăng nhanh qua các kỳ đại hội.
Trong mục tiêu nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên, nông dân, từ đầu năm tới nay, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 8 hội nghị tập huấn cho hơn 1.360 cán bộ, hội viên nông dân tham dự; phát động phong trào nông dân đăng ký tham gia cuộc vận động “Hội viên nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2028.
Bên cạnh đó, chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng, kêu gọi đầu tư dự án hỗ trợ nông dân, như: Dự án nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt; dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân, lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo” tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 - 2026; dự án xây dựng mô hình giảm nghèo “hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lúa OM18” trên địa bàn vùng núi…
Tích cực vận động nông dân tham gia làm kinh tế nông nghiệp
Ngoài việc nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp đơn vị, sở, ngành tỉnh tổ chức cho hơn 17.300 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tiếp cận kiến thức quan trọng về: Thông tin về thị trường, thông tin khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; hoạt động dịch vụ, tư vấn giúp nông dân là chủ trang trại, gia trại thành lập doanh nghiệp; hoạt động thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh.
Nỗ lực của các cấp hội đã góp phần giúp nông dân An Giang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, tác động sâu sắc đến phong trào nông dân SXKD giỏi các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 131.000 hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào trên nhiều lĩnh vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, hội nông dân các cấp đã vận động nông dân toàn tỉnh hiến 43.186m2 đất; nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn, đê bao với chiều dài 117km; sửa chữa, nâng cấp 38 cầu, cống, 11 công trình đèn đường nông thôn… tổng trị giá trên 9 tỷ đồng, đóng góp trên 87.962 ngày công lao động.
Hội viên, nông dân thực hiện các mô hình xây dựng nông thôn mới, như: Hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp; Ấp tự quản bảo vệ môi trường; Tổ thu gom rác dân lập; mô hình thu, gom rác ở các tuyến dân cư; mô hình “đường hoa xóm đẹp”... góp phần thực hiện tốt tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nhằm tiếp tục xây dựng người nông dân An Giang văn minh, phát triển toàn diện, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế nông nghiệp. Tăng cường vai trò của các cấp hội trong việc khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân.
Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức về kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản cho hội viên, nông dân; tích cực tham gia phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy sản xuất của nông dân để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Tiếp tục phát động và đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi gắn với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”…
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh cũng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “Tương thân tương ái” của nông dân An Giang, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho hội viên, nông dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận, tham gia sàn thương mại điện tử, nhằm mở rộng kênh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
THANH TIẾN