Xây dựng “thế vững, lực mạnh” từ lòng dân

10/11/2023 - 05:37

 - Nhiều năm nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường lãnh, chỉ đạo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, tạo “thế vững, lực mạnh”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tấm lòng người lính “quân hàm xanh”

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới rất quan trọng, bởi đây là nơi tổ chức tuyên truyền, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với Nhân dân và đồng bào các dân tộc, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt; cũng là nơi dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng.

Trong đó, việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh là nền tảng để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân”. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang phân công 73 đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ khóm, ấp; 237 đảng viên phụ trách 1.046 hộ gia đình ở khu vực biên giới; 2 cán bộ tăng cường xã; 3 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và 5 đồng chí tham gia HĐND các cấp. Cán bộ được lựa chọn kỹ, bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có phương pháp, tác phong tốt; hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, có uy tín với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Trao tặng lúa giống cho nông dân biên giới

“Đi liền với tăng cường cán bộ cho cơ sở, chúng tôi còn tổ chức các đội công tác bám địa bàn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân, giúp dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chăm lo đời sống mọi mặt của Nhân dân, tạo cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân” vững chắc. Qua đó, BĐBP tỉnh đóng góp 18.655 ngày công, làm 24,8km đường giao thông nông thôn, phát quang 19km đường nông thôn; sửa chữa và cất mới 189 căn nhà; giúp 22 hộ dân giảm nghèo; vận động học sinh bỏ học trở lại trường; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 22.000 lượt người; tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới, tổng trị giá trên 7 tỷ đồng” - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết.

Có những hoạt động mang đậm dấu ấn của BĐBP, như mô hình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng”. Hiện nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang nhận đỡ đầu 69 học sinh (21 em ngoại biên), 6 con nuôi đồn biên phòng. Các em đều là con, cháu gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo ở khu vực biên giới, nhận mức hỗ trợ từ 300.000 - 500.000 đồng/em/tháng, tổng số tiền hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng.

Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” trên khu vực biên giới. Sau mỗi chương trình, hàng ngàn phần quà, đòn bánh tét, hàng trăm cơ số thuốc, hàng chục căn nhà “Mái ấm biên cương” được trao tặng đến học sinh, Nhân dân địa bàn, góp thêm chút niềm vui đầu xuân mới.

Những vòng tay gìn giữ biên giới

Ngoài việc đóng vai trò nòng cốt, chuyên trách, kịp thời tham mưu cho tỉnh và cấp trên giải quyết tốt vấn đề về phân giới, cắm mốc; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép, ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới…

BĐBP tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia cùng địa phương và các lực lượng tại chỗ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; phối hợp chặt chẽ với quân sự, công an, hải quan và BĐBP các tỉnh thực hiện quy chế phối hợp hoạt động trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; quản lý xuất, nhập cảnh.

Thực tiễn khu vực biên giới của tỉnh cho thấy, thế trận biên phòng toàn dân chỉ thực sự vững chắc khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới theo phương châm “Mỗi người dân biên giới là một người lính biên thùy”. Vì thế, BĐBP tỉnh tham mưu, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể địa phương nhân rộng mô hình quần chúng tham gia xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới.

Trên khu vực biên giới hiện có 72 tập thể (651 hộ gia đình, 782 thành viên) tham gia “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; 23 “Tổ phụ nữ tham gia quản lý đường biên, cột mốc” (308 hội viên); 204 “Tổ tự quản an ninh trật tự” (813 thành viên); 915/915 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với BĐBP và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp. Cùng với đó, 304 chi bộ, 216 chi đoàn, 213 chi hội phụ nữ, 186 chi hội nông dân, 7 chi hội cựu chiến binh, 2 chi hội người cao tuổi, 102 tổ tự quản an ninh trật tự, 72 tổ tự quản đường biên cột mốc… được củng cố, xây dựng.

Hàng ngày, chị Huỳnh Thị Cẩm Giang (ấp 5, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) mưu sinh bằng nghề làm thuê, giúp việc nhà. Nhưng ít ai biết, chị còn gánh vác trọng trách Chi hội phó Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên cột mốc ấp 5. “Ban đầu, thấy chị em trong ấp tham gia sinh hoạt, tôi tò mò tìm hiểu, được mời tham gia tổ. Khi tổ trưởng bận việc gia đình, tôi được phân công thay thế vai trò, tiếp tục vận động chị em trong ấp cùng tham gia.

Họ giống như tôi ngày trước, không hiểu rõ nhiệm vụ, phải thuyết phục rất lâu mới chịu tham gia. Hiện giờ, tổ có 15 thành viên, thay phiên nhau tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên giới. Ai cũng bận rộn làm thuê, nhưng hễ có kế hoạch đi tuyên truyền, vận động, tuần tra biên giới… là các chị tham gia nhiệt tình. Không có phụ cấp hay chế độ đãi ngộ, chúng tôi vẫn gắn bó lâu dài với tổ. Mỗi lần hoạt động là mỗi lần chị em phụ nữ được hiểu, được nắm bắt thông tin, góp phần tuyên truyền, vận động con em, gia đình, người dân cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới” - chị Giang chia sẻ.

GIA KHÁNH