Xây dựng văn hóa đọc

12/05/2022 - 07:05

 - Nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho người dân, xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tích cực xây dựng, phát triển phòng đọc. Đến nay, phòng đọc sách phục vụ tốt nhu cầu của người dân, sau 13 năm hoạt động.

Cán bộ hưu trí xã Nhơn Hưng đến sinh hoạt tại phòng đọc sách biên giới của địa phương

Hơn 1.000 lượt đọc/năm

Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng Lê Thị Kim Sa thông tin: “Nhơn Hưng có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia hơn 5km. Hoạt động qua lại làm ăn, mua bán của người dân diễn ra thường xuyên trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Nhận thấy nguồn kiến thức, thông tin còn hạn chế, địa phương nỗ lực hình thành mô hình phòng đọc sách biên giới, trên cơ sở phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng tỉnh), giúp người dân có điều kiện tìm hiểu nghị định, hiệp định liên quan đến Luật Biên giới quốc gia, quy chế khu vực biên giới đất liền, quy định đánh bắt thủy sản của Campuchia… Đồng thời, có các loại sách, báo, tài liệu khác đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức cho bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi tại địa phương”.

Được thành lập từ năm 2009, Phòng đọc sách xã Nhơn Hưng xuất hiện đầu tiên ở biên giới của tỉnh, được thực hiện bài bản, quy chế cụ thể, cùng nhiều đầu sách hay phục vụ người dân, nhất là học sinh. “Từ khi thành lập đến nay, phòng đọc sách luôn được đầu tư nâng cấp, với vốn sách, báo, tài liệu ngày càng phong phú và đa dạng.

Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng văn hóa đọc tại địa phương được thực hiện thường xuyên, thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, báo, sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về sách, báo… Qua đó, góp phần mang tri thức đến với bạn đọc, từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân khu vực biên giới”- bà Kim Sa cho biết thêm.

Đến với Phòng đọc sách xã Nhơn Hưng, người dân có thể thoải mái tìm hiểu sách, báo liên quan nhiều lĩnh vực, gần 2.100 đầu sách được trưng bày, quản lý. Mỗi năm, địa phương vận động cá nhân, tổ chức đóng góp thêm hàng trăm đầu sách thuộc mọi lĩnh vực, từ văn học - nghệ thuật, pháp luật, văn hóa - xã hội, tạp chí cho đến sách nông thôn mới, truyện ngắn, sách thiếu nhi… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Trước thực trạng người dân ngày càng xa rời văn hóa đọc như hiện nay, Phòng đọc sách xã Nhơn Hưng vẫn đang hoạt động xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người dân mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng bạn đọc đến với phòng đọc sách còn khiêm tốn, chỉ hơn 1.000 lượt/năm. Do đó, UBND xã Nhơn Hưng dự định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đông đảo người dân hình thành thói quen đọc sách để tiếp thu kiến thức.

Lan tỏa phong trào

Là cán bộ hưu trí của xã Nhơn Hưng, ông Nguyễn Tấn Chức duy trì thói quen đến phòng đọc sách biên giới 2 lần/tuần. Với ông, đọc sách không những là thú vui, mà còn là văn hóa, bởi nó phản ánh truyền thống ham học hỏi của người Việt Nam. “Khi có thời gian rảnh, tôi hay cùng những người bạn đến phòng đọc sách. Xã biên giới như Nhơn Hưng có thư viện khang trang, chủng loại sách, báo đa dạng được duy trì nhiều năm là nỗ lực rất lớn. Đến đây, tôi cảm thấy khá thoải mái khi vừa được trò chuyện với anh em, vừa có thể tìm sách hay để tiếp thu kiến thức” - ông Chức chia sẻ.

Ông Chức cũng cho biết, ông thường tìm đọc câu chuyện liên quan đến Bác Hồ, hoặc bài thơ, áng văn hay về biên giới, tình yêu quê hương, đất nước. Sau những ngày cống hiến cho địa phương, ông vẫn đang nỗ lực phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng” trong gia đình và tại nơi cư trú. Ông thường yêu cầu con cháu dành thời gian đến thư viện xã, góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp cho thế hệ tương lai.

“Tôi thấy các cháu bây giờ cứ cuốn theo điện thoại thông minh. Nếu người lớn không định hình, uốn nắn thì các cháu sẽ tiếp cận với những thông tin không tốt. Do đó, tôi luôn quan tâm, vận động các cháu đến thư viện xã đọc sách thiếu nhi phù hợp lứa tuổi và mang tính giáo dục cao. Tôi mong địa phương tiếp tục quan tâm duy trì, phát triển hoạt động của phòng đọc sách, để khôi phục, giữ gìn và phát huy thói quen đọc sách của người dân xã anh hùng này” - ông Chức mong mỏi.

Hiện nay, phòng đọc sách biên giới xã Nhơn Hưng mở cửa đều đặn để phục vụ người dân. Đồng thời, địa phương tiếp tục vận động, sưu tầm các loại sách báo nội dung hay, chứa đựng kiến thức mới và mang tính thời sự để phục vụ nhu cầu bạn đọc địa phương.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, phát triển văn hóa đọc bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ của phòng đọc biên giới xã Nhơn Hưng. Mong rằng, với sự quan tâm của sở, ngành, sự phối hợp tích cực của Thư viện huyện và ban, ngành, đoàn thể địa phương, phòng đọc sách tiếp tục giữ vai trò là nơi xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc cho người dân” - bà Lê Thị Kim Sa kỳ vọng.

THANH TIẾN