Xóa bỏ “rác” của thời công nghệ

26/08/2022 - 08:04

 - Khi công nghệ lên ngôi, chúng đem đến rất nhiều tiện ích cho con người. Nhưng cũng từ đây, một số đối tượng lợi dụng công nghệ trục lợi cho mình, đẩy hàng loạt rắc rối cho xã hội. Tội phạm qua mạng, thông tin sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới… gia tăng nhanh chóng, còn quá trình xóa bỏ lại không hề dễ dàng, đơn giản!

Gỡ tin xấu độc - trách nhiệm không của riêng ai

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14, chọn nội dung xoay quanh công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán video clip phản cảm, độc hại…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. Một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi, ban hành trong quý III/2022, kỳ vọng tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý tại Việt Nam. Hiện nay, facebook, youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước (từ dưới 20% năm 2018) lên 90 - 95%.

Để giám sát không gian mạng, Bộ TT&TT thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của trung tâm này tăng từ 100 triệu tin/ngày lên thành 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, trung tâm xử lý tin giả Việt Nam được thành lập, tiếp nhận phản ánh của người dân.

“Việc bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng như dọn rác, là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân. Bộ TT&TT đang soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các bộ, ngành, địa phương lên không gian mạng phát hiện, tiếp nhận và xử lý rác thuộc lĩnh vực mình quản lý. Việc bóc gỡ thông tin xấu, độc thì không chỉ là việc của Bộ TT&TT và Bộ Công an. Chúng tôi có nhiệm vụ cung cấp công cụ, cơ chế tháo gỡ tin sai sự thật, thanh, kiểm tra và xử lý hành chính vi phạm về đưa tin giả trên không gian mạng” - ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Đối đầu tội phạm công nghệ cao

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh) trăn trở: “Tội phạm qua mạng ngày càng phát triển, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Các giải pháp chủ yếu mang tính tuyên truyền, phòng ngừa xã hội và cảnh báo người dân, trong khi bị hại ngày càng nhiều. Như vậy, xem như các giải pháp phòng ngừa chưa hiệu quả”.

Từ chất vấn của hàng loạt ĐBQH, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp, như: Triển khai hiệu quả Luật An ninh mạng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, sử dụng công nghệ cao; chỉ đạo Bộ Công an sớm hoàn thành việc soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường giải pháp phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm tiền bạc.

Tăng cường tuyên truyền để cơ quan, tổ chức và người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác và chủ động phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng. Tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT đầu tư nâng cao tiềm lực để phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực và trang bị phương tiện hiện tại của các nước tiên tiến.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Bên cạnh đó, phải có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ (sim rác), tạo lập website để thực hiện hành vi phạm tội. Triển khai ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trong quản lý nhà nước nói chung, quản lý tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế việc người dân phải tìm đến “tín dụng đen””.

“Sim rác” sớm bị loại bỏ

ĐBQH Phan Viết Lượng (tỉnh Bình Phước) đề nghị nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý “sim rác”, vì đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên lĩnh vực an ninh mạng. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ TT&TT làm rõ tình trạng lợi dụng “sim rác” lừa đảo có khả năng ngăn chặn được không; lộ trình như thế nào liên quan đến vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, số “sim rác” chưa đăng ký thông tin là 26 triệu. Tháng 6/2022, số lượng này đã được cắt bỏ khỏi hệ thống, bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng. Bộ TT&TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối trên cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chíp để rà soát lại chính xác thông tin của chủ thuê bao. Đây được xem là giải pháp căn cơ. Các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối, rà soát được 1,5 triệu thuê bao.

“Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong tháng 9/2022, toàn bộ thuê bao điện thoại di động phải được rà soát chính xác, đảm bảo 100%. “Sim rác” giảm, thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh, tống tiền sẽ giảm. Thông tin chủ thuê bao chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý điều tra, xử lý đúng người” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đến ngày 30/9/2022 sẽ loại bỏ “sim rác”. Khi đó, hoạt động tội phạm trên mạng nói chung, hoạt động lừa đảo nói riêng sẽ sớm xác định được. Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục có giải pháp để xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

VẠN LỘC