Xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt

06/09/2022 - 04:40

 - Nhờ sự thân quen, gần gũi với chất lượng, mẫu mã, chủng loại không thua kém gì hàng nước ngoài, giá cả phù hợp… nên hàng Việt dần trở thành lựa chọn ưu tiên trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng của gia đình.

Theo đánh giá từ doanh nghiệp (DN) bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Ngoài kiểu dáng, độ bền, giá thành rẻ, đa phần hướng tới an toàn cho sức khỏe. Từ đó, DN sản xuất chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra mặt hàng có giá thành phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng. Đồng thời, vẫn ưu tiên bảo đảm chất lượng và đưa sản phẩm phủ sóng rộng khắp từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng tiện ích và trên trang thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thông qua chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, chương trình xúc tiến thương mại, liên kết giữa nhà sản xuất và kênh phân phối được mở rộng. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề… từng bước tạo uy tín với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận và sử dụng nhiều sản phẩm hàng hóa do DN trong nước sản xuất với chất lượng nâng cao, giá cả hợp lý. Từ đó, đại đa số người tiêu dùng thay đổi về nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm hàng hóa trong nước. 

Thực tế cho thấy, đời sống kinh tế được nâng cao, phần lớn người tiêu dùng trở nên thận trọng, kỹ càng hơn trong việc mua sắm; so sánh với sản phẩm trong nước để lựa chọn phù hợp, chứ không mua vì tâm lý “sính ngoại”.

Chị Lê Thị Thanh Trà (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, nhiều năm nay, chị dùng sản phẩm nội địa, vì chất lượng, giá cả phải chăng. “Trước đây, khi mua quần áo cho gia đình, tôi thường ưng ý hàng có xuất xứ nước ngoài, bởi các công ty may mặc trong nước còn ít, hạn chế về mẫu mã. Giờ đây, mỗi khi mua sắm, quần áo Việt Nam là chọn lựa hàng đầu của gia đình tôi. Quần áo do các công ty Việt Nam sản xuất đẹp, phong phú về mẫu mã, chất liệu tốt, đặc biệt giá bán rất phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng” - chị Trà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mai (chủ cửa hàng tạp hóa ở TP. Châu Đốc) cho biết, các dòng sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát được sản xuất tại Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú. Nhà sản xuất nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, điều chỉnh khẩu vị, giảm độ ngọt, lượng đường, sản xuất thêm dòng bánh bổ sung dưỡng chất, vitamin phù hợp sức khỏe, giá cả phải chăng.

Cũng như các mặt hàng khác, trái cây trong nước dần khẳng định vị trí trên thị trường, do chất lượng tươi ngon, chủng loại phong phú, an toàn cho sức khỏe. Một khi trái cây trong nước chiếm lĩnh thị trường như hiện nay, mang lại niềm vui cho các nhà vườn.

Chị Trần Thị Kim Ánh (tiểu thương bán trái cây ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Người tiêu dùng chuyển sang mua và dùng trái cây trong nước. Hàng tháng, tôi nhập trái cây về từ các đầu mối trái cây trong nước, dù giá cả tăng, nhưng lượng tiêu thụ rất mạnh”.

Đang lựa trái cây, chị Ngô Thị Phương Châu (TP. Long Xuyên) chia sẻ về lý do gia đình chị thích dùng trái cây trong nước: “Hiện nay, dù trên thị trường bán nhiều loại trái cây nhập ngoại, nhưng gia đình tôi rất ít mua. Với lại, trái cây trong nước có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, nông dân của mình khổ cực mới làm ra những sản phẩm này, không thua kém hàng nhập ngoại. Vậy thì tại sao người dân trong nước lại không ủng hộ “người nhà”?”. Đây là tín hiệu vui, là động lực giúp các DN, công ty, nhà vườn trong nước tiếp tục phấn đấu, nỗ lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Việc người tiêu dùng dành sự ưu ái, tin tưởng lựa chọn hàng trong nước cho thấy sự thay đổi thói quen và tư duy mua sắm, góp phần giúp sản phẩm trong nước giành phần thắng trên “sân nhà”. Điều này nhằm nâng cao vị thế của hàng trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của DN cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng hóa xuất xứ trong nước. Đến nay, hàng Việt chiếm trên 90% trong cơ sở phân phối của DN trong nước; từ 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Đặc biệt, kể từ sau dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, nhất là sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

TRỌNG TÍN