Vấn đề này không mới, nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri cả nước. Có 36 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận cho rằng, chưa có giải pháp đủ mạnh để xử lý tin giả, tin sai sự thật. ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) và ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống và Internet bùng nổ, tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng tràn lan, gây bức xúc trong xã hội, cạnh tranh gay gắt với báo chí chính thống về thông tin và doanh thu. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, bộ trưởng có phương án nào để quản lý MXH?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi MXH xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến đã chuyển về MXH, nhưng các cơ quan báo chí ra đời rất nhiều. “Đến bây giờ là 880 cơ quan báo chí, số lượng tăng, nguồn thu giảm”. Về giải pháp, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí. Từ năm ngoái, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí.
Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ TT&TT, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cho biết, các thông tin xấu, độc, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Vậy đâu là giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng trên và liệu thời gian qua, bộ chuyên ngành đã làm hết trách nhiệm về công tác này chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng “hết trách nhiệm chưa thì tôi không dám nói, nhưng chúng tôi cũng làm hết sức, từng ngày, từng giờ và chúng ta cũng có rất nhiều tiến triển”. Chẳng hạn, trước đây, đưa thông tin sai sự thật, quảng cáo sai thì có đưa cho các MXH họ cũng không gỡ. Mười việc họ thực hiện 1 - 2 việc, nhưng bây giờ thực hiện rất nghiêm, trên 95%. Hay trước đây, họ chỉ gỡ nội dung sai phạm, còn người và tài khoản thực hiện có khi họ không xử lý. Bây giờ, nếu tái phạm nhiều lần tài khoản đó sẽ bị hạ xuống hoặc cắt cả trang. “Chúng ta có xử lý triệt để không? Câu trả lời là không. Vì cuộc sống liên tục thay đổi, chúng ta quản lý phải theo sự phát triển đó… Quan trọng là chúng ta xác định được vấn đề sớm, nhận dạng và có giải pháp, điều chỉnh thể chế sớm”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề về tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận định: “Hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. Đặc biệt, có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản”.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. “Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng? Trong khi đó, chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm” - ông Lương Tam Quang đặt vấn đề và cho biết Bộ Công an đang kiến nghị sửa đổi theo hướng không cần xem xét đến hậu quả vẫn có thể xử lý những vi phạm này.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thực hiện khá tốt các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần lành mạnh hóa MXH. Tỷ lệ gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên MXH của các nền tảng duy trì ở mức trên 90%. Vấn đề hợp tác quốc tế từng bước có hiệu quả tích cực. Bộ Công an, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. Các bên đều thống nhất việc hợp tác, chia sẻ thông tin, trên nguyên tắc không để bất cứ một tổ chức, cá nhân nào ở nước ngoài có hành vi đưa thông tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác.
Theo Bộ TT&TT, đến tháng 1/2024, Việt Nam có khoảng 73 triệu người sử dụng MXH. Trong đó, Facebook gần 73 triệu tài khoản; Facebook Messenger hơn 55 triệu tài khoản; Youtube 63 triệu tài khoản; TikTok gần 68 triệu tài khoản; Instagram hơn 10 triệu tài khoản; Linkedin 7,5 triệu tài khoản; Twitter-X gần 5,8 triệu tài khoản. Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, không gian mạng là “mảnh đất” màu mỡ cho tin giả phát tán. Thời gian qua, MXH xuất hiện nhiều vấn đề mới, trong đó có tin giả, tin sai sự thật. Các cụm từ: “Hate speech” (phát ngôn thù hận), “Cyber-bullying” (bắt nạt trên mạng), “Fake news”, “Misinformation”, “Disinformation” (tin giả, tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc), không còn xa lạ với người dùng MXH, nhất là giới trẻ. |
N.R (Tổng hợp)