Xử lý rác thải - cần giải pháp căn cơ

07/06/2023 - 06:25

 - Đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý và hạn chế xử lý chất thải… là những giải pháp khả thi đang được đề ra.

Kiểm soát ô nhiễm từ rác

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang, toàn tỉnh hiện có 29 bãi rác sinh hoạt phải đóng cửa xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, Sở TN&MT làm chủ đầu tư 2 dự án và đóng cửa, xử lý 25 bãi rác ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.

Điển hình như, Khu xử lý chất thải rắn Bình Hòa (huyện Châu Thành) có 2 ô chôn lấp hợp vệ sinh, do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang vận hành, đang triển khai 1 dự án xử lý chất thải rắn, công suất 300 tấn/ngày bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng. Ô chôn lấp số 1 vượt công suất tiếp nhận, quá tải (431.800 tấn/175.252 tấn theo thiết kế, vượt 246% khối lượng), nên đã ngưng tiếp nhận rác. Từ đầu năm 2022 đến nay, ô chôn lấp số 2 (công suất tiếp nhận khoảng 350 tấn/ngày) được vận hành.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố sạt lở đê bao gây ô nhiễm môi trường tại bãi rác vào mùa mưa lũ, Sở TN&MT đề nghị Công ty Cổ phần Môi trường đô thị thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao xung quanh ô chôn lấp; có giải pháp che chắn, hạn chế rác thải phát tán xung quanh; thường xuyên làm vệ sinh đường dẫn, cống thoát nước thải; tăng cường phun xịt chế phẩm sinh học, hạn chế phát sinh mùi hôi…

Theo UBND tỉnh, hiện nay, nguồn ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt; 2 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đưa vào sử dụng. Các dự án, cơ sở trên địa bàn tỉnh đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo hồ sơ môi trường trước khi thải ra môi trường bên ngoài; 21/29 làng nghề có phương án bảo vệ môi trường làng nghề, có tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề; 2 đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung (TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc) để xử lý một phần nước thải đô thị. 

Hoạt động quản lý, xử lý, thu gom chất thải và phế liệu được tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Năm 2022, tỉnh thu gom, xử lý 328.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt; thu gom để tái sử dụng, tái chế khoảng trên 59.000 tấn chất thải rắn công nghiệp; tiêu hủy (đốt, chôn lấp…) khoảng 2.882 tấn. Hiện nay, tỉnh có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn đang hoạt động, công suất 50 tấn/ngày đêm; 3 khu, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động theo quy hoạch.

Nghĩ đến việc tận dụng rác

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường, cụ thể là việc kiểm soát chất thải, rác thải rắn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tác động của quá trình đô thị, hóa lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam tăng 10%/năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường, mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. 

Bà Trần Thị Thanh Hương khẳng định: “Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, chương trình phân loại rác tại nguồn ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức. Nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị, rác thải là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Hiến kế với Chính phủ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương đề nghị triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình, biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong phân loại rác tại nguồn; tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Ý kiến ấy khiến tôi nhớ đến câu chuyện của Trần Nhựt Hào (lớp 11A2) và La Thế Trân (lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn). “Mỗi lần đi ngoài đường, thấy bã mía chất thành đống sau khi sử dụng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Trong khi đó, nhà Hào trồng vườn chuối, chuối thu hoạch xong thì thân chuối bị đốn bỏ. Tụi em cùng nghĩ cách giải quyết vấn đề này. Cuối cùng, cả 2 hoàn thành dự án tái chế bã mía, thân chuối thành chậu kiểng thân thiện môi trường” - Trân chia sẻ.

Sáng kiến của các em ngoài đoạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023 tỉnh An Giang, giải nhất cấp quốc gia, còn hiện thực hóa khả năng tái chế rác thải thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho cuộc sống. Vậy nên, chúng ta cần nỗ lực hành động nhiều hơn, quan tâm đúng mức hơn cho lĩnh vực này, để rác thải không còn là nỗi lo thường trực cho môi trường.

AN KHANG