An Giang có lợi thế rất lớn trong nuôi cá tra nhờ vào nước trên 2 con sông Tiền, sông Hậu
Khó khăn, thách thức
Con số đầy ý nghĩa này đạt được trong bối cảnh ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là giá cả vật tư đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh gay gắt của mặt hàng cá tra với nhiều loại thủy sản khác trên thị trường quốc tế. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi, làm tăng rủi ro dịch bệnh và giảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn chưa phục hồi hoàn toàn bởi tình trạng chiến tranh leo thang, suy thoái kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đó gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. “Giá của một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng và chế biến cá tra vẫn ở mức cao, gây áp lực lên chi phí sản xuất. Cụ thể, giá thức ăn luôn ở mức cao, trong khi giá cá thương phẩm chỉ ở mức từ 26.000 - 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, người nuôi không có lời” - bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (ngư dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.
Tình trạng biến đổi khí hậu làm cho thị trường có lúc thiếu hụt con giống một cách cục bộ, khiến ngư dân không có cá giống thả vào thời điểm thích hợp. Chẳng những vậy, có thời điểm giá cá giống và cá thịt bằng nhau, khiến cho sản xuất không phát triển. “Sản xuất con giống trong tình trạng biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với ngư dân. Nhiệt độ môi trường ban ngày thì nóng, ban đêm thì lạnh buốt, nên việc ương giống rất khó đậu. Thời gian gần đây, tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn nuôi từ cá hương lên cá thịt rất cao. Cho cá tra đẻ trong mùa nghịch rất khó so với trước…” - ông Nguyễn Văn Linh (ngư dân sản xuất giống xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) bày tỏ.
Nỗ lực vượt qua
Tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024, bàn giải pháp cho năm 2025 (được tổ chức vào ngày 17/11 tại tỉnh Đồng Tháp), Hải quan Việt Nam thông tin, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 10/2024 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm nay sang các thị trường đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, Trung Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, EU và các quốc gia Châu Á vẫn là những thị trường chính; không chỉ có sản phẩm phi-lê, mà có rất nhiều sản phẩm khác được tiêu thụ. Trung Quốc và Hong Kong là thị trường tiêu thụ sản lượng lớn cá tra của doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, trong nước. Chỉ tính riêng tháng 10/2024, thị trường này tiêu thụ 61 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ. Cá tra được thương nhân Trung Quốc mua để bán ở 23 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là Quảng Đông (30%), Sơn Đông và Thượng Hải (12%), Thiên Tân (10%)…
Để vượt qua khó khăn, DN lẫn ngư dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại; đa dạng hóa thị trường, không tập trung vào một vài thị trường lớn, mà luôn tìm kiếm thêm thị trường mới để xuất khẩu. Được sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương, DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh cải thiện hình ảnh sản phẩm trong con mắt người tiêu dùng trên thế giới, bằng cách tiếp tục xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, tăng cường quảng bá sản phẩm.
Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, như: Hỗ trợ về vốn, công nghệ và thông tin thị trường, đẩy mạnh thực hiện Chương trình giống cá tra 3 cấp, bình ổn giá thức ăn trên thị trường, khuyến khích người nuôi sử dụng vaccine phòng bệnh cho cá. Tất cả giải pháp đó góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra trong năm 2024 về đích ngoạn mục.
"Con giống là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng của sản phẩm xuất khẩu. Chúng tôi đã giao trách nhiệm các đơn vị phải siết chặt công tác quản lý con giống. Cơ sở nào đủ điều kiện mới cấp phép để đưa con giống lưu thông trên thị trường…"- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. |
MINH HIỂN