Chế biến gạo xuất khẩu
Kết quả tích cực
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài. Chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN), bởi các hãng vận tải biển tăng giá cước vận tải, để bù đắp chi phí gia tăng... Do đó, xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn. Nhưng nhờ triển khai kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất, nhập khẩu ở An Giang có những tín hiệu tích cực. 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 930 triệu USD, tăng 6,31% so cùng kỳ, vượt 5% so kịch bản 9 tháng (886 triệu USD) và đạt 78% so kế hoạch năm 2024.
Theo Sở Công Thương, sản phẩm chủ lực thủy sản ước sản lượng xuất khẩu đạt 125.300 tấn, tương đương 226 triệu USD (so cùng kỳ, tương đương về sản lượng và kim ngạch). Các DN chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 60% (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines…), Châu Mỹ khoảng 20% (Colombia, Mỹ, Mexico…), Châu Âu khoảng 18% (Nga, Ukraina, Pháp…). Mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo cũng tăng tốc với sản lượng xuất khẩu đạt 322.500 tấn, tương đương 196 triệu USD; tăng 3% về lượng và tăng 7,5% về kim ngạch so cùng kỳ; tốc độ tăng kim ngạch lớn hơn sản lượng do giá xuất khẩu tăng.
Sở Công Thương cho biết, hiện nay, loại gạo 5% tấm giá xuất khẩu 565 USD/tấn; gạo 25% tấm giá xuất khẩu 535 USD/tấn; riêng gạo Nhật giá xuất khẩu gần 1.000 USD/tấn. Châu Á là thị trường xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng cao nhất của các DN trong tỉnh, với khoảng 88% (Indonesia, Philippines, Singapore, Hồng Kông…), còn lại là thị trường Châu Âu (Anh, Đức, Ba Lan…), Châu Phi (Ghana, Mozambique…). Mặt hàng rau quả đông lạnh của tỉnh cũng chiếm ưu thế, ước sản lượng xuất khẩu đạt 113.000 tấn, tương đương 58 triệu USD, tăng 23% về kim ngạch so cùng kỳ. Trong đó, DN xuất khẩu đạt 23.000 tấn, tương đương 36 triệu USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ về lượng và kim ngạch. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Vương Quốc Anh… Các hộ kinh doanh xuất khẩu rau quả đạt 89.600 tấn, tương đương 21,7 triệu USD, giảm gần 28% về kim ngạch so cùng kỳ.
Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm quần áo của An Giang cũng tăng trưởng, ước 9 tháng của năm 2024 đạt hơn 170 triệu USD, tăng 16,71% về kim ngạch so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada…), Châu Âu (Nga, Đức, Bỉ, Anh…), còn lại Châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông...). Ngoài ra, còn một số mặt hàng xuất khẩu khác tỉnh có kim ngạch xuất khẩu khá, như: Giày dép xuất hơn 169 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ; thuốc lá gói xuất khẩu trên 16 triệu USD, tăng 24% về kim ngạch so cùng kỳ.
Cũng trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn An Giang đạt trên 1,6 tỷ USD, giảm 9% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang trên 774 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ; hàng hóa đăng ký nơi khác xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang đạt gần 849 triệu USD, giảm 20% so cùng kỳ (chủ yếu là phân bón, sắt thép, bách hóa tổng hợp, nông, thủy sản...).
Chế biến đậu nành rau xuất khẩu
Vượt khó, tăng tốc
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng, với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, các DN Việt Nam và An Giang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Để duy trì đà tăng trưởng thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Theo đó, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp các sở, ngành tỉnh đề xuất tỉnh về chương trình hợp tác với Tập đoàn Logistics của DuBai, nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu tỉnh An Giang khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí, tăng xuất khẩu thời gian tới.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xuất khẩu hàng hóa, kịp thời đưa ra dự báo. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương rà soát các Hiệp định thương mại tự do, điều chỉnh, bổ sung danh mục chủng loại gạo Việt Nam có giá trị, chất lượng cao vào danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan. Tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác mở rộng thị trường tiềm năng trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đặc biệt, phối hợp sở, ngành, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác kinh tế đối ngoại tỉnh An Giang, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, nhằm hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển thị trường xuất khẩu. Đồng thời, khai thác mạnh mẽ kinh tế số, thúc đẩy thương mại, tiêu thụ hàng hóa xuyên biên giới, phù hợp điều kiện kinh doanh quốc tế hiện nay. Tích cực hoàn thành các ban chỉ đạo: Đề án logistics và Tổ công tác kinh tế đối ngoại tỉnh, kiện toàn Ban chỉ đạo Đề án thương hiệu tỉnh, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh giải pháp thúc đẩy phát triển ngoại thương thực chất và mạnh mẽ hơn.
HẠNH CHÂU