Xuất khẩu lao động vẫn gặp khó

11/08/2023 - 05:30

 - Mặc dù các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) đang rộng mở, nhưng số lượng lao động trẻ tỉnh nhà chọn con đường xuất khẩu lao động chưa đáng kể. Một số nguyên nhân được chỉ ra, gồm cả chủ quan NLĐ và khách quan đến từ thị trường tuyển dụng.

Chính sách rộng mở

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang, hiện nay, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí (tối đa 100 triệu đồng/lao động). Ngoài chính sách trên, NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng được hỗ trợ 11 triệu đồng/lao động. Lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế (được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận), bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ... được hỗ trợ 5 triệu đồng/lao động.

Để tránh rủi ro khi tham gia xuất khẩu lao động, NLĐ có thể liên hệ điểm hỗ trợ, tư vấn từ cán bộ lao động của xã, phường, thị trấn nơi đang ở, hoặc trực tiếp tư vấn tại phòng lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cấp huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Mọi người sẽ được giới thiệu đơn vị, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Cán bộ tuyển dụng tư vấn trực tiếp cho lao động

Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) Lâm Long Phú cho biết: “Nhằm tránh tình trạng người dân thiếu hiểu biết, bị bạn bè, đối tượng xấu lôi kéo, rủ đi lao động nước ngoài bất hợp pháp, vừa qua UBND xã phối hợp Phòng LĐ-TB&XH tổ chức đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.

Qua đó, lồng ghép tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu đơn vị, công ty uy tín, thị trường, đơn hàng đang tuyển dụng hiện nay, chi phí xuất cảnh, học tập ngôn ngữ. Cùng với đó, chính sách cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ưu tiên cho xuất khẩu lao động. Gia đình có con em trong độ tuổi lao động nắm bắt thông tin, tìm con đường lao động mới để vươn lên thoát nghèo”.

Nhưng còn tâm lý e ngại

Đó là tâm lý chung của phần lớn gia đình. Họ mong muốn con cái làm việc gần nhà hoặc một số tỉnh, thành phố lân cận. Việc phải xuất ngoại trong 3 năm theo đúng hợp đồng mới được trở về nước khiến NLĐ cân nhắc rất nhiều.

Anh Nguyễn Thanh (ngụ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) bày tỏ: “Tôi chọn công việc hàn tiện theo đơn hàng đi Nhật Bản. Khi đã tìm hiểu, chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, thì mẹ tôi không đồng ý. Bởi mẹ lo lắng việc tôi xa nhà quá lâu, không ai phụ giúp chăm sóc bà nội mỗi khi đau bệnh”.

Một gia đình khác ở xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành) không quá đơn chiếc, nhưng cũng rơi vào tâm lý quyến luyến, không muốn rời xa con quá lâu. Thế nhưng, đó chỉ là tâm trạng ban đầu. Qua tư vấn, động viên từ cán bộ xã, người mẹ đã cho đứa con trai 18 tuổi tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Những trường hợp khác, nỗi sợ không đến từ việc rời xa gia đình, mà là tâm lý mặc cảm về trình độ học vấn, tuổi tác, e ngại không thể hòa nhập, đáp ứng tốt yêu cầu công việc đất nước sở tại.

Anh T.X.T (ngụ xã Bình Phú, huyện Châu Phú) cho hay: “Năm nay, tôi đã ngoài 30 tuổi, trình độ học vấn lớp 9, vẫn đáp ứng yêu cầu đi Nhật Bản. Tôi tham khảo đơn hàng làm nông nghiệp, mong học hỏi cách làm của người Nhật, về ứng dụng làm lúa ở quê nhà. Thế nhưng, tôi sợ mình lớn tuổi, không thể tiếp thu được tiếng Nhật và văn hóa của họ trong 3 năm bên đó. Rồi còn phải vay tiền ngân hàng, bao nhiêu nỗi lo phía trước…”.

Tư vấn tại xã Long Điền B, bà Nguyễn Thùy Nhã Nghi (đại diện Công ty TNHH Nhân lực AKANE, TP. Hồ Chí Minh, văn phòng đại diện tại TP. Long Xuyên) cho biết: “Lượng đơn hàng tuyển dụng đang giảm chút ít, do Nhật Bản mở rộng tuyển dụng sang các nước Đông Nam Á khác, nhưng vẫn còn cơ hội việc làm cho lao động ở một số ngành nghề, như: Phục vụ tại nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, nhà xưởng… thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.

Trong khi tổng mức phí cho phỏng vấn, đào tạo, thủ tục xuất cảnh hiện nay chỉ từ 110 - 120 triệu đồng, tùy theo đơn hàng. Với sự hỗ trợ từ địa phương, lao động vẫn có thể đi được các đơn hàng sang Nhật Bản hoặc một số nước lân cận”.

“Đi xuất khẩu lao động không quá khó, có thể mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Nhiều trường hợp, sau 3 năm, NLĐ tiếp tục gia hạn hợp đồng hoặc trở về nước tự kinh doanh, khởi nghiệp. Điều quan trọng, nếu đã mong muốn đi làm việc nước ngoài, NLĐ cần mạnh dạn liên hệ đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động hoặc cán bộ địa phương, để được tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời. Từ đó, yên tâm lựa chọn con đường phù hợp” - bà Nguyễn Thùy Nhã Nghi chia sẻ.

Theo Sở LĐ-TB&XH An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 321 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản 219 lao động, Đài Loan 81 lao động, Hàn Quốc 6 lao động, Canada 7 lao động, Ba Lan 3 lao động, Hoa Kỳ 1 lao động, Hồng Kông 2 lao động, Trung Quốc 1 lao động. Số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu (300 lao động) của tỉnh trong năm 2023.

 

NGỌC GIANG