Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Đó là, vấn đề truy xuất nguồn gốc với hải sản khai thác chống khai thác bất hợp pháp và phải khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt ra trên tàu cá và cảng cá về đến nhà máy.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, thuỷ sản còn đối diện với nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật và chứng chỉ carbon đảm bảo an toàn môi trường sản xuất khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ,… Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2024 so với năm 2023 là 9,5 tỷ USD với tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 1,3 triệu ha.
Từ năm 2024 trở đi, Cục thuỷ sản sẽ tiếp tục phát triển thuỷ sản nuôi biển, nuôi lòng hồ song song với các giải pháp phát triển khoa học công nghệ để nâng cao giá trị chế biến từ sản phẩm nuôi và đánh bắt, ngoài ra tăng cường chiến lược thuỷ sản phắt triển sản phẩm từ phụ phẩm thuỷ sản. Cùng với đó, quản lý tàu cá, cảng cá vì hạ tầng nghề cá còn nhiều hạn chế, xuống cấp sau nhiều năm chưa được nâng cấp, tu bổ.
Qua một năm nhiều biến động khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá cả một số hàng hoá vật tư đầu vào phục vụ phát triển thuỷ sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logictics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại, quy mô sản xuất bị thu hẹp. Những điều này tác động lên hoạt động chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam gây khó cho ngành thuỷ sản.
Theo Cục thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch, giảm 8% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD, cá tra khoảng 1,9 tỷ USD, cá ngừ 900 triệu USD, nhuyễn thể 800 triệu USD, tổng sản lượng thuỷ sản xuất khẩu năm 2023 ước đạt 9,05 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 3,68 triệu tấn, tương đương năm 2022, sản lượng nuôi trồng hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu vẫn tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam. Do vậy, trong năm 2024 nhiệm vụ phát triển thuỷ sản sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thành quả năm 2023 chỉ bằng 85-90% so với năm 2022. Chính vì vậy Sao Ta đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỷ đồng, về 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 100 tỷ đồng, về 300 tỷ đồng. Thêm vào đó, với diễn biến thị trường hiện nay ngành tôm cũng chỉ giữ mức chỉ tiêu giảm này cho năm 2024.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thuỷ sản cho hay: Dù kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm nhưng đây là nỗ lực đảm bảo tăng trưởng và duy trì sản xuất của nông ngư dân Việt Nam. Các đối tượng chủ lực vẫn duy trì được tăng trưởng, bên cạnh đó, hoạt động nuôi biển trong thời gian qua có kết quả tốt như cá biển đạt 50.000 tấn, hỗ trợ được phần nào hoạt động khai thác, đánh bắt chưa hiệu quả.
Thêm vào đó, ngành thuỷ sản còn phải đối mặt với những tồn tại và hạn chế trong năm 2023 là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, bảo quản sản phẩm chưa cải tiến. Hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp, nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm cũng giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm theo. Không những vậy, vấn đề cung ứng và kiểm soát con giống trong nuôi trồng, ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều tiềm ẩn ở các vùng nuôi, đặc biệt là tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, lạm phát lan ra toàn cầu buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tại thị trường Mỹ, Nhật, EU tăng... là những nguyên nhân khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành thuỷ sản sụt giảm mạnh. Chỉ trong 2 tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ thuỷ sản mới có dấu hiệu khởi sắc, kéo ngành thuỷ sản trở về lợi thế như trước nhưng điều này cũng chỉ tạm thời. Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã phải tự điều chỉnh sản xuất để thích hợp với nhu cầu thị trường, vừa giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đơn cử như Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau – Camimex, Công ty cổ phần Nam Việt, Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú,…Bức tranh xuất khẩu thuỷ sản hạ nhiệt khó khăn vào 2 tháng cuối năm 2023, nhưng các chuyên gia ngành thuỷ sản đánh giá đây chỉ là bước chững tạm thời.
Bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Mặc dù ngành thuỷ sản có dấu hiệu khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn và những khó khăn này dự kiến kéo dài sang cả năm 2024. Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là những thị trường được kì vọng sau sự khởi sắc của ngành thuỷ sản những tháng cuối năm 2023. Bởi giao điểm cuối năm 2023, bước sang 2024 là thời điểm người tiêu dùng tại thị trường này chuẩn bị thực phẩm cho các lễ hội, tồn kho của nhà nhập khẩu xuống thấp. Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.
Từ trước đến nay, thuỷ sản Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh bằng các dòng sản phẩm chế biến sâu. Điều này đã giúp tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển. Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.
Theo TTXVN