Xung đột Nga - Ukraine: Đề xuất hòa bình để ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện

03/10/2023 - 08:55

Với khả năng cuộc phản công của Ukraine rơi vào bế tắc và các lực lượng của họ có thể suy yếu, NATO sớm phải đối mặt với quyết định tiếp tục leo thang trong cuộc đối đầu với Nga hay chọn con đường đàm phán.

Cuộc xung đột ở Ukraine leo thang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn là phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Ảnh: Reuters

Theo bình luận mới đây của cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) và cũng là cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Đức tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) Michael von der Schulenburg, vào cuối tháng 8 năm nay, bốn nhân vật uy tín của Đức đã trình bày một đề xuất hòa bình thông qua lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Đây được cho là đề xuất hòa bình toàn diện và đột phá nhất được đưa ra kể từ khi xung đột Nga -Ukraine nổ ra.

Ông Schulenburg cho rằng đề xuất hòa bình này được đưa ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng. Với khả năng cuộc phản công của Ukraine rơi vào bế tắc và các lực lượng của họ có thể suy yếu, NATO sẽ phải đối mặt với quyết định trong vài tháng tới, thậm chí có thể trong vài tuần tới, là leo thang hơn nữa trong cuộc đối đầu với Nga hay chọn con đường đàm phán. Tuy nhiên, quyết định tiếp tục leo thang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn là cuộc xung đột có thể ngày càng phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Điều này không chỉ gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine mà còn đưa thế giới đến gần hơn một bước với chiến tranh hạt nhân. Chúng ta chỉ hy vọng rằng lý trí sẽ thắng thế và NATO, Ukraine cùng với Nga sẽ lựa chọn ngừng bắn để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức. Đề xuất hòa bình chi tiết mới của Đức hiện đã chỉ ra con đường đi đến mục tiêu này. Do đó, điều hết sức cấp bách là thu hút sự chú ý của những người ra quyết định chính trị trên toàn thế giới đối với đề xuất hòa bình đó và giành được sự ủng hộ của công chúng đối với nó.

Liên minh châu Phi, Trung Quốc, Brazil, Mexico và Indonesia đã đưa ra các đề xuất hòa bình, trong Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đã công bố các sáng kiến của riêng mình. Tuy nhiên, EU, nơi đáng lẽ phải quan tâm nhất đến hòa bình ở châu Âu vẫn chưa đề xuất cách kết thúc cuộc giao tranh ở Ukraine thông qua một giải pháp chính trị. Nói đúng hơn, ngoại trừ đề xuất đàm phán hòa bình của cựu Thủ tướng Italy Draghi một năm trước, không quốc gia thành viên EU nào đưa ra bất kỳ sáng kiến hòa bình nào, trong đó có cả Chính phủ Đức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelenky gặp nhau tại Washington. Ảnh: WSJ

Sự "cứng nhắc" về chính trị

Vào thời điểm mà cuộc xung đột ở Ukraine đang đặt châu Âu vào tình thế nguy hiểm nhất, EU dường như đã rơi vào tình trạng "cứng nhắc về chính trị". Họ không có chiến lược rõ ràng về những gì họ muốn đạt được ngoài sự hỗ trợ quân sự để kéo dài cuộc xung đột, cũng như không phát triển bất kỳ ý tưởng khác về một châu Âu hòa bình sẽ như thế nào sau cuộc chiến này.

Như thể "lục địa già" này chưa rút ra được gì từ những bài học khủng khiếp trong hai cuộc Thế chiến diễn ra chủ yếu trên đất châu Âu. Trong quá trình này, cả Ukraine và Nga đang ngày càng bị cạn kiệt cả nhân lực và vật lực do xung đột.

Chính sách của EU dường như cũng phớt lờ những hậu quả chính trị, xã hội và kinh tế mà việc tiếp tục giao tranh sẽ gây ra cho người dân châu Âu và trên toàn thế giới cũng như những mối nguy hiểm to lớn sẽ gây ra cho nhân loại do sự leo thang liên tục của nó.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng là tại sao đề xuất hòa bình chi tiết của Đức lại có tầm quan trọng lớn như vậy vào thời điểm hiện tại. Nó phá vỡ niềm tin rằng chiến thắng quân sự có thể mang lại hòa bình và ngược lại, vạch ra những cách để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc chiến này thông qua đàm phán chính trị. Trong bầu không khí "hiếu chiến" đang thịnh hành trong nền chính trị, truyền thông và các tổ chức nghiên cứu ở châu Âu cần sự dũng cảm đáng kể với những người khởi xướng để đứng lên vì hòa bình.

Ngừng bắn và hòa đàm

Đề xuất hòa bình mới của Đức cũng dựa trên quan điểm của phương Tây rằng Nga đã "khơi mào cuộc xung đột và do đó Ukraine có quyền để tự vệ về mặt quân sự và chấp nhận sự hỗ trợ quân sự của nước ngoài". Tuy nhiên, đề xuất còn tiến một bước quyết định hơn nữa khi nhấn mạnh rằng điều này “không loại trừ việc Chính phủ Ukraine và các quốc gia ủng hộ nước này thúc đẩy một giải pháp chính trị để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Giờ đây, cuộc giao tranh Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn có sức tàn phá nặng nề, không còn bên nào được coi chiến thắng nữa, vì vậy đề xuất của Đức đã đưa ra lời kêu gọi đối với tất cả các bên liên quan rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho hòa bình đang càng trở nên cấp thiết hơn.

Do đó, những người khởi xướng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức dọc theo các chiến tuyến hiện tại và đồng thời tiến hành các cuộc hòa đàm để ngăn chặn việc "đóng băng" lệnh ngừng bắn cũng như toàn bộ cuộc xung đột. Để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào do căng thẳng chính trị, họ đề xuất rằng các cuộc đàm phán hòa bình này sẽ đi thẳng vào các vấn đề gây tranh cãi cốt lõi của cuộc xung đột: một Ukraine trung lập, đảm bảo an ninh cho Ukraine, tình trạng tương lai của các khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhya và Kherson cũng như Crimea.

Giao tranh càng kéo dài, các bên liên quan thiệt hại càng lớn. Ảnh: WSJ

Đối với mỗi vấn đề gây tranh cãi này, họ phác thảo các giải pháp khả thi dựa trên kết quả của cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine vào tháng 3/2022 và lập trường đàm phán của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Istanbul vào ngày 29/3/2022.

Đề xuất hòa bình của những người Đức đặc biệt bổ sung cho các đề xuất hòa bình đã được các quốc gia hoặc tổ chức khu vực bên ngoài châu Âu đưa ra. Trên cơ sở đó, đề xuất hòa bình giả định rằng các lợi ích an ninh của Nga, như được nêu trong lá thư của Moskva gửi NATO và Mỹ ngày 17/12/2021 cần được xem xét. Trái ngược với quan điểm phổ biến ở EU, những người khởi xướng đề xuất hòa bình của Đức chia sẻ đánh giá của các nước ngoài phương Tây rằng Tổng thống Nga Putin đã sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng điều này chưa có nghĩa là các quan điểm đàm phán đã hội tụ.

EU rất cần hòa bình

Giống như trong tất cả các cuộc đàm phán hòa bình khác, trong trường hợp xung đột ở Ukraine, các bên liên quan sẽ phải đàm phán một cách tỉ mỉ về bất đồng giữa 2 nước tham chiến và các quốc gia hỗ trợ họ. Chắc chắn điều này sẽ vô cùng khó khăn vì không có sự tin tưởng giữa các bên tham chiến. Tuy nhiên, con đường hiện được vạch ra bởi đề xuất của Đức về một nền hòa bình dựa trên thương lượng thể hiện một lợi thế đáng kể so với bất kỳ nỗ lực nào khác nhằm đạt được một giải pháp được thực thi bằng quân sự.

Do đó, việc tích cực chấp nhận đề xuất hòa bình này là vì lợi ích riêng của EU và các quốc gia thành viên. EU không chỉ sẽ trở thành tiền tuyến nếu cuộc chiến này leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, mà còn phải gánh chịu tất cả bất lợi khác do hậu quả của cuộc giao tranh. Điều này sẽ bao gồm các tổn thất hiện tại của cuộc chiến và quan trọng hơn là những thiệt hại lâu dài để hỗ trợ một Ukraine bị tàn phá, nghèo đói và suy giảm dân số.

Trong khi Mỹ có thể rút sang bờ bên kia Đại Tây Dương, EU sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khu vực khủng hoảng ở những vùng lân cận. Nền kinh tế EU cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ từ các lệnh trừng phạt của chính họ mà còn từ sự gia tăng chi phí nguyên liệu thô, mất thị trường bán hàng và sự gián đoạn của các tuyến thương mại trực tiếp đến các khu vực tăng trưởng ở châu Á.

Và nếu xem xét kỹ các dấu hiệu từ hội nghị thượng đỉnh BRICS+, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và gần hơn là hội nghị thượng đỉnh G20, nhiều người có thể kết luận rằng không phải Nga bị cô lập về mặt quốc tế mà thay vào đó chính EU mới mất đi ảnh hưởng quốc tế do các chính sách Ukraine của mình, cũng như sự thất bại của họ trong việc ngăn chặn cuộc xung đột và giờ đây lại không sẵn lòng chấm dứt nó.

Do đó, EU hiện rất cần hòa bình, và đề xuất hòa bình của Đức nên được chấp nhận như một cơ hội cho phép thay đổi chính sách của mình để đạt được hòa bình này đồng thời tránh xa việc ủng hộ một cuộc chiến tiếp diễn.

 

LHQ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ảnh: AP

Vai trò quyết định của LHQ

Đề xuất hòa bình của Đức phụ thuộc rất nhiều vào vai trò quyết định của LHQ trong việc thực hiện đề xuất này. Theo đề xuất, khuôn khổ cho một lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ được quyết định tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong khi việc giám sát việc phi quân sự hóa các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát và việc phân chia lực lượng quân sự dọc theo ranh giới ngừng bắn sẽ được thực hiện và đảm bảo bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Các cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của Tổng thư ký LHQ hoặc Cao ủy do ông bổ nhiệm. Vì LHQ, Hội đồng bảo an LHQ và Tổng thư ký LHQ đã đóng những vai trò khá thấp trong cuộc xung đột này nên những đề xuất trên chắc chắn sẽ bị nhiều nhà quan sát nghi ngờ.

Chưa hết, những đề xuất này đặc biệt có thể có ý nghĩa sâu rộng đối với hòa bình toàn cầu. Nó sẽ dẫn đến sự phục hồi vai trò của tổ chức thế giới này, một cơ quan không thể thiếu và là trung tâm để duy trì hòa bình thế giới. Điều đó có nghĩa là trong phạm vi LHQ, các đề xuất và sáng kiến hòa bình khác nhau của các quốc gia thành viên có thể kết hợp với nhau, không phải với tư cách cạnh tranh mà là các thành phần củng cố lẫn nhau vì hòa bình.

Ông Schulenburg kết luận: việc củng cố LHQ như vậy và sự khẳng định liên quan đến tính phổ quát của Hiến chương LHQ chắc chắn sẽ được đại đa số các quốc gia thành viên hoan nghênh. LHQ và Hiến chương LHQ ra đời nhằm phản ứng với những tội ác chiến tranh khủng khiếp và sự tàn bạo của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Do đó, Đức nên cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì nghĩa vụ của Hiến chương LHQ đối với tất cả các quốc gia thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột và ngăn chặn chiến tranh.

Theo Báo Tin Tức