Trình bày với phóng viên Báo An Giang, ông Văng Thành Bào cho biết, qua 7 năm công tác ở trường, dù thấy nhiều khuất tất xảy ra, nhưng ông vẫn bỏ qua. Gần đây, ông và đồng nghiệp quyết định làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét, xử lý các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng ở trường và mong Báo An Giang thông tin rộng rãi cho mọi người được biết. Cụ thể, vụ việc phát sinh vào cuối năm học 2016-2017, khi Trường Tiểu học “C” Tà Đảnh khởi công xây dựng 2 điểm trường (chính, phụ) với 16 phòng học.
Ông Văng Thành Bào trình bày vụ việc với phóng viên
“Việc xây dựng như thế nào, giáo viên chúng tôi không biết được. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, cửa cổng nhà trường, hàng rào bằng lưới B40 bao quanh trường, bàn ghế, vật dụng khác… là tài sản công, vẫn còn sử dụng được. Tuy nhiên, nhà trường không thông báo cho mọi người biết để đăng ký “đấu giá”, thương lượng mua lại để sử dụng khi có nhu cầu. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bé Năm, Bí thư Chi bộ nhà trường tự ý ra giá bán các “phế phẩm”, đem cánh cửa cổng trường điểm chính, phụ về làm cổng rào nhà mình. Số “phế phẩm” được biết gồm: khoảng 200 cột nống đá, rào lưới B40 có chiều dài hàng trăm mét, gỗ, thiếc… đi đâu không rõ. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết cô H.T.T mua số gỗ khoảng 2 triệu đồng. Mặt khác, trong hội nghị toàn thể nhà trường vừa qua, hiệu trưởng lại phát ngôn phản cảm liên quan đến cá nhân tôi, gây khó chịu, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của tôi”- ông Văng Thành Bào cho biết. Tìm hiểu sự việc, phóng viên được thông tin thêm về vấn đề mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường, thể hiện ở việc bố trí vị trí công tác chưa khách quan, nhiều giáo viên phải chuyển trường, chuyển công tác.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học “C” Tà Đảnh Nguyễn Thị Bé Năm cho biết, đơn phản ánh của ông Bào đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, bà Bé Năm khẳng định: “Đa số vật dụng của nhà trường đều đã qua sử dụng, giá trị thấp. Trong đó, một số thứ phải cân ký để bán lại cho người có nhu cầu. Tôi đã mua vật dụng với mức giá 200.000 đồng. Phần lớn vật dụng này đều là phế thải, nên nhà trường không thông báo bán rộng rãi, chỉ cho một số người được biết. Việc này xét thấy không lớn, chỉ liên quan trong nội bộ, sao thầy Bào, thành viên của trường không phản ánh tại đơn vị để xem xét, giải quyết, lại phản ánh đến nhiều nơi? Mới đây, đoàn công tác Phòng Giáo dục và Đào tạo vừa đến nhà trường làm việc để làm rõ, xử lý đơn phản ánh của thầy Bào gửi lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện”.
Thông tin thêm với phóng viên Báo An Giang, ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tri Tôn cho biết: “Vừa qua, chúng tôi tiếp nhận đơn do Huyện ủy, UBND huyện chuyển sang, nên thành lập đoàn công tác do đồng chí Phó Trưởng phòng làm trưởng đoàn, cùng chuyên viên các bộ phận chuyên môn. Bước đầu, đoàn đã làm việc và thực hiện các bước theo quy định. Đến khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo vụ việc đến Huyện ủy, UBND huyện xem xét, quyết định. Trong phạm vi của ngành, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm”.
Đó là một trong nhiều đơn tố cáo, khiếu nại liên quan đến ngành Giáo dục và đào tạo, bạn đọc gửi đến Tòa soạn Báo An Giang thời gian qua. Đa số đơn thư phản ánh thái độ ứng xử, giải quyết công việc của người đứng đầu nhà trường thiếu khách quan, minh bạch. Các vụ việc tuy không lớn, nhưng lại gây mất đoàn kết nội bộ, khiếu nại, tố cáo kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tập thể nhà trường. Rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhà trường sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc, tạo môi trường công tác, giảng dạy đoàn kết, vui vẻ trong nhà trường. Mặt khác, đẩy mạnh công khai, minh bạch những đầu công việc nội bộ dù lớn hay nhỏ, giúp giáo viên, nhân viên trong trường nắm rõ, đồng thuận. Có như thế mới góp phần hạn chế thắc mắc, băn khoăn và bức xúc trong dư luận giáo viên, nhân viên.
Bài, ảnh: N.R