Theo hồ sơ vụ việc, ngày 11-4-2016, Công an địa phương mời ông Nguyễn Hòa Tiến đến trụ sở để làm rõ việc: “Chửi thề, văng tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”.
Qua buổi làm việc, ông Tiến thừa nhận hành vi nhưng khẳng định mình không vi phạm pháp luật. Khoảng 10 giờ 40 phút cùng ngày, Chủ tịch UBND xã An Bình Lê Hồng Dân ra quyết định tạm giữ theo thủ tục hành chính để tiếp tục làm rõ hành vi ông Tiến, nhưng đến 13 giờ ra quyết định chấm dứt việc tạm giữ hành chính.
Khoảng 14 giờ, ông Tiến thừa nhận: “Có lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác là vi phạm pháp luật”. Công an lập biên bản vi phạm hành chính (ông Tiến ký tên vào biên bản), xử phạt 200.000 đồng, cho làm cam kết không tái phạm.
Ngày 19-4, địa phương tổ chức họp dân tại tổ 8 (ấp Phú Hiệp) công bố và trao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tiến. Ngày 12-5, ông Tiến khiếu nại vụ việc.
Ông Nguyễn Hòa Tiến
Sau khi xem xét, địa phương nhận thấy: việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”; tạm giữ hành chính nhằm phục vụ đấu tranh làm rõ nội dung vi phạm của ông Tiến; công bố và trao quyết định xử phạt trong trường hợp này là chưa cần thiết.
Thay vào đó, nên áp dụng biện pháp giáo dục phù hợp hơn. Vì vậy, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với ông Tiến bị hủy bỏ; địa phương hoàn trả lại 200.000 đồng tiền phạt; bồi thường 15 ngày công lao động (tương ứng 3 triệu đồng) ông bị mất do địa phương nhiều lần mời làm việc.
Ngày 3-6-2017, địa phương nhiều lần công khai xin lỗi ông Tiến ở trụ sở UBND xã và tại tổ 8 như ông yêu cầu. Không chỉ Chủ tịch UBND xã, cả Bí thư Đảng ủy Nguyễn Anh Dũng cũng xin lỗi ông Tiến. Đó là chưa kể Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã… cùng tham gia buổi xin lỗi ông Tiến.
Ông Nguyễn Hòa Tiến cho biết: “Tôi từng bị kết án và thụ án gần 7 năm, đã chấp hành xong hình phạt tù từ năm 1997. Qua đó, tôi vẫn là người có quyền công dân, sao ông Dân lại không cho tôi tham dự các cuộc họp cử tri vừa qua ở xã An Bình, Vọng Đông (Thoại Sơn), thậm chí ngăn chặn tôi có mặt ở đó?
Việc xảy ra của tôi vừa qua đã được xem xét, giải quyết, nhưng địa phương vẫn còn có nhiều biểu hiện gây khó khăn cho gia đình tôi. Họ không tạo điều kiện cho tôi làm thủ tục vay vốn, không công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, ít người đến hớt tóc chỗ tôi do sợ ảnh hưởng…
Tôi đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện, yêu cầu Chủ tịch UBND xã An Bình bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của tôi với tổng số tiền 100 triệu đồng”.
Bí thư Đảng ủy xã An Bình Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Vừa xảy ra sự việc trên, chúng tôi đã khắc phục ngay, không để ảnh hưởng gì lớn cho ông Tiến lúc đó và sau này. Dù địa phương đã cầu thị, nhưng ông Tiến vẫn “làm khó”, nào là đề nghị phải đúng người xin lỗi (khi Chủ tịch UBND xã vắng họp vì bận đi công tác ngoài tỉnh), đúng địa điểm, thành phần, nội dung, việc bồi thường…
Chúng tôi gửi thư mời để thực hiện lời xin lỗi nhưng ông Tiến nhiều lần từ chối đến vì “có công việc gia đình”. Trong thực thi công việc, chúng tôi làm đúng các quy định, nhưng ông Tiến vẫn không nhìn bản chất sự việc. Ngược lại, ông liên tục “xé nhỏ” vấn đề, khiếu nại ở nhiều nơi, thậm chí gửi Tòa án nhân dân huyện”.
Cũng theo ông Dũng, nội dung khiếu nại “Chủ tịch UBND xã An Bình chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND xã mời tôi ra khỏi hội trường, không cho tham dự buổi ra mắt cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vừa qua ở xã và cả nơi khác” không đúng như ông phản ánh.
“Hôm đó, các đồng chí bảo vệ cuộc họp có giải thích với ông Tiến việc đại biểu đến ra mắt bà con cử tri, không xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nếu ông muốn đề nghị về vấn đề này, cứ về xã, huyện xem xét, giải quyết theo quy định, chứ không phải địa phương không cho ông tham dự cuộc họp.
Sau đó, ông đến tham dự ở xã Vọng Đông (Thoại Sơn), được anh em ở đó giải thích tương tự, hướng dẫn về địa phương xem xét, giải quyết thì ông lại cho “có bàn tay của Chủ tịch xã An Bình can dự”.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang Trần Văn Sáu nhận định: “Việc tổ chức xin lỗi công khai của lãnh đạo UBND xã là cầu thị, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chấn chỉnh ngay việc làm không đúng quy định, tạo điều kiện có lợi cho người yếu thế, người bị hại. Việc xin lỗi có thể trực tiếp tại nơi cư trú hoặc trên báo chí.
Đến nay, việc tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần gồm những ai... chưa được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc xin lỗi của địa phương vừa qua đã làm tốt, thể hiện nhiều lần, với sự tham dự của nhiều người, nhiều thành phần.
Về thiệt hại của ông Tiến đã được bồi thường cơ bản thỏa đáng bằng vật chất và tinh thần. Dù đã xem xét, giải quyết đến nơi đến chốn, ông Tiến không dừng lại, đã khởi kiện ra tòa án, thì sẽ được tòa án xem xét, phán quyết theo quy định”.
Bài, ảnh: N.R