Ý nghĩa thả cá về sông

08/08/2019 - 07:43

 - Thông qua hoạt động thả cá, ý thức của cộng đồng về phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản được nâng lên. Việc đưa những giống cá quý về sông còn giúp tăng giá trị nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Nỗi lo cạn kiệt

Cùng với diễn biến lũ thất thường, nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng đầu nguồn sông Cửu Long ngày càng suy giảm và cạn kiệt. Nếu như năm 2000, sản lượng thủy sản tự nhiên khai thác trên địa bàn An Giang đạt khoảng 91.000 tấn thì 15 năm sau (năm 2015) giảm còn 1/4 (23.000 tấn). Năm 2018 vừa qua, nhờ lũ lớn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 23.102 tấn, tăng 626 tấn so với năm 2017. Năm 2019 này, dự báo lũ sẽ nhỏ, thậm chí là không có lũ, nguồn lợi thủy sản tự nhiên theo đó cũng suy giảm.

Vận chuyển cá giống chuẩn bị thả xuống sông

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân, bên cạnh điều kiện tự nhiên, nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy sản còn do người dân sử dụng xung điện, chất độc, kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản, tận diệt cá non, đánh bắt ngay trong mùa sinh sản, sinh trưởng… Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản số 18/2017/QH14; Bộ NN&PTNT triển khai Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15-11-2018 về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngày 8-3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngày 16-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (tăng mức phạt gấp 3 lần so các quy định trước đó). Bên cạnh tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản trái phép theo quy định mới, cần thiết tổ chức phát động thả cá giống về sông với quy mô lớn, kết hợp truyền thông mạnh mẽ nhằm tạo phong trào lan tỏa rộng rãi, nâng cao ý thức cộng đồng trong tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Chung tay vì hành động đẹp

Khi dòng Mekong về tới ĐBSCL, nguồn nước tiếp tục đổ vào sông Tiền và sông Hậu, sau đó chia thành nhiều nhánh tuông ra biển. Trong đó, sông Vàm Nao được xem là điểm nối lớn nhất của 2 dòng sông chính này. Với chiều dài 6,5km, rộng bình quân 700m, độ sâu trên 17m, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nối liền sông Tiền với sông Hậu, sông Vàm Nao trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản lớn, quý hiếm. Năm 2018, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp Sở NN&PTNT An Giang, UBND huyện Chợ Mới và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh tổ chức thành công lễ thả cá bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Với nguồn kinh phí vận động xã hội hóa trên 570 triệu đồng, có trên 7,6 tấn cá giống các loại và 180.500 con cá giống bản địa đã được thả về sông Vàm Nao, trong đó có nhiều loại cá quý, có giá trị kinh tế cao như: bông lau, cá hô, cá chài, mè hôi, cá ét, cá cóc, chạch lấu, basa, vồ đém, cá chép, mè vinh…

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tiếp nối hiệu quả của hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản (được duy trì thường xuyên từ năm 2012 đến nay), Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp Tổng cục Thủy sản, UBND huyện Châu Phú, Ban Đại diện PGHH tỉnh cùng Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang phát động phong trào bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2019 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ được tổ chức vào sáng thứ bảy (ngày 10-8-2019, nhằm 10-7 âm lịch) tại xã cồn Bình Thủy (Châu Phú), khu vực giao giữa sông Vàm Nao với sông Hậu. Trong đó, lễ phát động thả cá được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Bình Thủy, còn điểm thả cá là tại bến đò Thầy Hai Phẩm (bờ Bình Thủy).

Năm nay, Chi cục Thủy sản An Giang tiếp tục được giao nhiệm vụ là tổ giúp việc của ban điều hành thả cá tỉnh. Chi cục trưởng Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, dù được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhưng đến nay, kinh phí đóng góp và nguồn cá giống vẫn chưa đáp ứng đủ chỉ tiêu đề ra. “Chúng tôi đang tiếp tục vận động, kêu gọi hỗ trợ nhằm đưa được càng nhiều cá giống có giá trị về tự nhiên càng tốt. Kỳ vọng rằng, buổi lễ thả cá sắp tới sẽ thành công, tiếp tục tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, huy động cộng đồng cùng góp sức bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản” - ông Tuấn chia sẻ.

Các tổ chức, cá nhân đăng ký tham dự lễ thả cá và ủng hộ kinh phí, có thể liên hệ Chi cục Thủy sản An Giang (số 1053 Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, email: ccts@angiang.gov.vn, điện thoại 0296.3840701), gặp cô Hồ Trần Thiên Nga (điện thoại 0909.96.26.97) để được hỗ trợ.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN