Yêu cầu chủ nợ được cho trả nợ gốc và lãi suất thấp

06/05/2021 - 05:55

 - Vợ chồng bà FatiMar (51 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, ngụ ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang) cho biết, họ vay 10 triệu đồng để mưu sinh, nhưng mua bán ế ẩm không trả nổi nợ gốc và lãi suất nên số nợ gộp lại tăng lên. Dù xin giảm lãi suất, trả nợ dần nhưng vẫn đòi nợ siết, khiến họ rơi vào cảnh túng quẫn.

Bà FatiMar trình bày sự việc với phóng viên Báo An Giang

Gửi đơn kêu cứu đến Báo An Giang, bà FatiMar cho biết, do nhà nghèo không ruộng đất, bà mua bán hàng rong để nuôi sống gia đình. Biết bà Nguyễn Minh Thư (nhà gần đó) có cho vay, cuối năm 2018, bà đến hỏi vay 10 triệu đồng để làm vốn mua bán. Do không có tài sản thế chấp, bà Thư quy định đóng lãi 100.000 đồng/ngày, thời gian vay không giới hạn.

“Biết tính lãi như vậy là cao nhưng hoàn cảnh không tiền, vợ chồng tôi đành chấp nhận. Nhờ có số vốn vay, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng, trừ tiền lãi còn 100.000 đồng, tạm xoay sở được cuộc sống  gia đình. Mua bán gần 1 năm, đóng lãi hàng ngày, tôi bị bệnh, gặp dịch bệnh COVID-19 nên việc mua bán ế ẩm. Sau đó, nguồn vốn bị thiếu hụt, tôi vay thêm vài triệu đồng để bổ sung vào, nhưng mua bán vẫn không cải thiện được, nợ đội lên 20 triệu đồng. Đến lúc này, mỗi ngày tôi trả lãi 200.000 đồng, buộc phải lấy tiền gốc để đóng lãi.

Ngày 28-10-2019, bà Thư chốt số nợ đến 65 triệu đồng, buộc tôi trả, nếu không thì phải tính lãi như cam kết ban đầu. Gia đình tôi không trả được, nài nỉ giảm lãi, trả dần nhưng bà Thư không đồng ý, nói nếu không trả tiền sẽ bị tung lên mạng cho mọi người biết. Sau đó, gia đình chủ nợ đòi siết quá, tôi dắt con bị bệnh đến Đồng Tháp làm mướn. Gia đình tôi yêu cầu nhà nước và pháp luật hỗ trợ, tác động để chủ nợ cho gia đình tôi được trả dần nợ gốc với lãi suất thấp nhất” - bà FatiMar bày tỏ.

Trả lời việc này, bà Nguyễn Minh Thư cho biết, gia đình bà FatiMar là hàng xóm, có quen biết nhau, đã hỏi vay từ trước đây, được bà hỗ trợ về tiền lãi. Cuối năm 2018, gia đình bà FatiMar đến nài nỉ hỏi vay một số tiền để làm vốn mua bán. Sau đó, 2 bên thỏa thuận nhau số tiền vay cũng như về mức lãi. Lúc đầu, bà FatiMar vay 10 triệu đồng, sau đó nhiều lần hỏi vay thêm chút ít và thanh toán đàng hoàng. Tuy nhiên, sau đó bà FatiMar tìm cách né tránh, có dấu hiệu không muốn trả số tiền vay. Đến khi bà Thư đòi nợ, bà FatiMar viện cớ đủ điều, thậm chí cho rằng bà Thư là người cho vay nặng lãi, chửi mắng thô tục.

Bà Thư bức xúc: “Việc vay mượn tôi ghi chép rõ ràng, đưa mỗi người 1 bản. Tổng số tiền tôi cho mượn 65 triệu đồng và số lãi đã 2 năm chưa tính. Bà FatiMar nói mua bán ế ẩm, không làm ăn được là không đúng, bởi cuộc sống của gia đình họ ở đây ai cũng biết. Vài ngày trước, chồng bà FatiMar đến nhà tôi thương thảo việc trả nợ nhưng chưa thành, nay người vợ kêu cứu, khiếu nại đến báo chí là phản cảm, không đúng với thực tế. Việc vay mượn 2 bên có thỏa thuận đàng hoàng, không gian dối, đề nghị người vay phải có trách nhiệm thanh toán theo quy định. Tôi yêu cầu gia đình bà FatiMar đến thương lượng, thỏa thuận, sẽ có cách hỗ trợ cho phương án trả nợ đối với bà”.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, Bộ luật Dân sự hiện hành quy đ?nh v? l?i su?t vay do c?c b?n th?a thu?n.ịnh về lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác. Nếu thông tin đúng như phản ánh, mức lãi suất đến 30%/tháng là vi phạm luật dân sự.

Tuy nhiên, để xác định việc này cần phải có chứng cứ để chứng minh, làm rõ việc thỏa thuận, thời gian không thực hiện nghĩa vụ của người vay. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định pháp luật dân sự, tại thời điểm trả nợ.

Đối với trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả, hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc, tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả, còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định. Nếu 2 bên không thỏa thuận được, có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án để xem xét, giải quyết theo quy định.

 Bài, ảnh: N.R

 

 

Liên kết hữu ích