Công điện gửi UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam; Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và các Bộ liên quan như Quốc Phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
Theo công điện, tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29/7 vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7 với độ lớn 5,0 richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận.
Tại Kon Tum 2 ngày qua đã xảy ra đến 45 trận động đất |
Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực. Theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.
Với sự việc này, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn…
Thống kê của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong ngày 28/7, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 21 trận động đất. Đáng nói, trong ngày 29/8, liên tiếp xảy ra thêm 25 trận động đất.
Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và GTVT theo chức năng quản lý Nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Thủ tướng cũng giao Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng.
Huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.