Hiệu quả từ mô hình trồng mồng tơi lấy hạt

02/04/2018 - 05:47

 - Nhận thấy nguồn lợi từ hạt mồng tơi, nhiều nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng mồng tơi lấy lá phục vụ nhu cầu ẩm thực hàng ngày sang trồng lấy hạt, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Lê Quang Trung (xã Tân Phú, Châu Thành, An Giang ) kể, nay đa số ND quen với việc trồng mồng tơi để bán lá, chưa ai tính đến chuyện trồng mồng tơi lấy hạt để phục vụ sản xuất. Đi nhiều nơi, thấy mọi người làm ăn có hiệu quả, kinh tế ổn định, ông Trung quyết định trồng thử hơn một công đất, không ngờ hạt mồng tơi bán được giá cao. Mùa vừa rồi, hơn một công mồng tơi nhà ông Trung thu hoạch mỗi đợt cách nhau 15 ngày, được gần 1 tấn hạt tươi. Bình quân khoảng 8-10kg hạt mồng tơi tươi sẽ được 1kg hạt khô, bán cho thương lái với giá 170.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận được kha khá nên mùa này ông Trung tiếp tục trồng mồng tơi để lấy hạt.

Anh Tâm (xã Kiến Thành, Chợ Mới) chia sẻ: “Trồng mồng tơi lấy hạt không khó, chăm sóc nhẹ nhàng, chi phí đầu tư thấp. Hạt giống dễ mua, chỉ cần xuống giống 1 lần, thời gian thu hoạch kéo dài cả năm, không cần gieo sạ nhiều lần giống như những loại rau màu khác. So với nhiều loại rau màu tôi trồng trước đây, trồng mồng tơi lấy hạt đem lại lợi nhuận cao hơn. Giá hiện tại khoảng 70.000-75.000 đồng/kg hạt khô nhưng trừ tất cả chi phí vẫn thu được lợi nhuận…”.

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trung bình mỗi lao động thu hoạch hạt mồng tơi thu nhập khoảng 4.500 đồng/kg hạt mồng tơi tươi.

Theo những ND có kinh nghiệm chia sẻ, mồng tơi là loại dây leo dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, mỗi công đất sẽ gieo khoảng 700gr hạt giống. Khi cây mồng tơi lên cao khoảng 10cm, nhổ đem trồng theo hàng cách nhau khoảng 20cm. Đến khi cây phát triển cao thì phải cắm cọc, làm giàn cho chắc, cao khoảng 1,5m để dễ thu hoạch. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi cho thu hoạch đợt đầu tiên. Lần đầu, thu hoạch được vài chục kg, rồi lên vài trăm kg, năng suất cứ tăng dần, có khi hơn 1 tấn hạt mồng tơi tươi mỗi đợt. Khoảng 15-20 ngày sau đợt thu hoạch đầu tiên, sẽ thu hoạch tiếp đợt kế tiếp và thời gian thu hoạch kéo dài gần 1 năm.

Khi thu hoạch hạt mồng tơi nên chọn những trái chín đen. Hạt mồng tơi đem phơi nắng cho khô lớp vỏ bên ngoài, đến lúc nắm trên tay hạt mồng tơi không còn dính với nhau là được. Nếu trời nắng tốt, hạt mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 3-4 ngày là có thể bán cho thương lái hoặc đem giao các đại lý nông sản. Sau mỗi đợt thu hoạch, người trồng phải bón phân, dọn bớt dây bò ở dưới mặt đất, đưa lên giàn để những đợt sau cho hạt nhiều hơn.

Ông Trần Văn Thành (xã Long Kiến, Chợ Mới) cho biết, tuy mồng tơi dễ trồng nhưng người trồng mồng tơi lấy hạt phải học hỏi để hiểu biết cụ thể về kỹ thuật canh tác. Muốn thu hoạch được nhiều hạt, khâu làm đất rất quan trọng, đất phải tơi xốp, lên liếp, có rãnh thoát nước để chống ngập úng làm chết cây con. Điểm quan trọng khi trồng mồng tơi lấy hạt là không được hái lá và đọt non. Vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mồng tơi. Nên để đọt dài, bảng lá to xanh thì cây mồng tơi phát triển tốt, năng suất và chất lượng hạt cao. Người trồng mồng tơi lấy hạt cần theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, từng giai đoạn phát triển, đến lúc thu hoạch để chất lượng của hạt phơi khô đảm bảo chắc, đẹp và sáng màu, đáp ứng yêu cầu thị trường.

TRỌNG TÍN