“Chợ mây”
Đây có lẽ là ngôi chợ “độc nhất vô nhị” miền Tây. Chợ lẫn khuất giữa mây ngàn, với quang gánh tảo tần của các mẹ, các chị ngày ngày mang thực phẩm từ dưới xuôi lên phục vụ người dân trên núi. “Chợ mây” có những gian hàng cố định với những loại rau rừng đặc trưng núi Cấm, đó là: cát lồi, kim thất, ngành ngạnh, lá cách, lá lốt, đinh lăng, đọt bứa, bằng lăng rừng, bơ, sộp, quỷnh… Tất cả kết hợp với bánh xèo tạo nên món đặc sản ngon khó cưỡng của miền sơn cước này. Ông Trịnh Văn Thắng, nông dân sống lâu năm trên núi, cho biết: “Chợ trên núi Cấm đã hình thành nhiều năm nay. Lúc đầu chỉ là mấy gánh hàng mang ít thực phẩm bán cho dân trên núi, dần dần du khách đông đúc mới xuất hiện chợ để đáp ứng nhu cầu. Gọi là chợ bởi nó có hoạt động mua bán, chứ mặt hàng thì không thể so sánh với miền xuôi nhưng cũng có đủ thịt, cá, trái cây…”.
Độc đáo “chợ mây”
Có lẽ “chợ mây” không chỉ thu hút du khách ở đặc sản bánh xèo rau núi, mà còn bởi vẻ đẹp có một không hai. Đó là mây! Những tháng cuối năm, núi Cấm “bạc đầu” hẳn đi bởi mây cứ lượn lờ trên đỉnh suốt ngày. Người đi chợ chìm vào mây. Người bán hàng cũng lẫn khuất vào mây. Với người dân trên núi, mây là bạn thâm niên. Với du khách gần xa, mây là nét đẹp lâng lâng khó tả. Xuân về, “chợ mây” nhộn nhịp hẳn lên bởi lượng khách lên viếng chùa khá đông. Từng dòng người thoắt ẩn, thoắt hiện qua những lớp sương mờ với tiếng nói, tiếng cười trao đổi huyên thuyên.
Dù mang vẻ độc đáo riêng nhưng những người phụ nữ buôn bán ở “chợ mây” cũng vất vả để mưu sinh. Chị Neang Nhung, một tiểu thương bán hàng tại “chợ mây”, chia sẻ: “Vì cuộc sống nên ai cũng phải cố gắng lao động. Tuy có vất vả nhưng nguồn thu chấp nhận được nên tôi với mấy chị em cứ bám lấy nghề. Thông thường, nhóm của tôi có 5 - 7 người cùng gánh hàng lên núi bán. Chừng 7 giờ sáng là đã có người tìm mua thức ăn. Đến 9 giờ sáng mà chưa bán hết thực phẩm thì chị em lại rủ nhau gánh vào rừng bán cho những hộ không đi chợ. Vì tiểu thương gánh hàng đi suốt nên có người gọi đùa là “chợ di động” trên núi Cấm”. Bởi nét sinh hoạt độc đáo nên “chợ mây” luôn mang đến cảm giác thú vị cho du khách mỗi khi đặt chân lên núi Cấm. Đến đây, họ được trải nghiệm cảm giác “đi chợ trong mây”, nhất là những tháng mùa xuân.
Miên man xuân núi Cấm
Khí hậu đặc thù vùng cao đã khoác lên núi Cấm chiếc áo mùa xuân rất riêng. Đến núi Cấm mùa hè, du khách sẽ thích thú bởi sự mát mẻ của khí hậu. Mùa thu, những loài cây trên núi bắt đầu thay lá. Tuy không đến mức “rừng phong thu đã nhuộm màu quan san” nhưng những mảng màu trên núi cũng tạo cảm giác thích mắt. Đến núi Cấm vào mùa xuân, du khách lại rơi vào cảm giác choáng ngợp, bồng bềnh của khung cảnh nên thơ. Vẫn là những đám mây nhẹ tênh là đà trên mặt nước hồ trong veo. Chúng phả vào mặt người cái cảm giác buốt lạnh, gợi lên chút mùa xuân đất Bắc. Dừng chân bên bờ hồ Thủy Liêm ngắm nhìn đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng khiến cho lòng người dịu lại, những muộn phiền của cuộc sống đời thường bỏ lại phía sau. Những ngày đầu năm, người lên viếng đỉnh Thiên Cấm sơn khá đông, họ đến đây để tìm cảm giác bình yên, mơ mộng và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Mây giăng núi Cấm
Chị Nguyễn Ngọc Hoa, du khách đến từ TP. Cần Thơ, thích thú: “Tết năm nào, tôi cũng cùng gia đình lên núi Cấm để lễ Phật và cảm nhận sự khác biệt của đất trời. Được đắm mình trong làn sương khói, lắng nghe tiếng chuông chùa Vạn Linh xuyên qua những lớp mây mù khiến tâm hồn mình lắng lại. Đến đây vào những ngày xuân, tôi có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu cho năm mới”.
Xuân năm nay, khu vực chùa Phật Lớn với cảnh quan khang trang càng tô điểm thêm vẻ đẹp của đỉnh Thiên Cấm sơn. Những vườn hoa, cây kiểng tốt tươi mang dáng dấp của một “Đà Lạt miền Tây” làm cho du khách thích thú. Những tiếng thông reo rào rạt bên bờ hồ Thủy Liêm, khiến con người như hòa vào thiên nhiên bằng những cảm xúc tươi mới, nhẹ nhàng. Có lẽ, cái mông lung từ mùa xuân núi Cấm chính là nét riêng không thể tìm được ở bất cứ đâu của miền Tây. Vì thế, du khách luôn cảm thấy ấn tượng mỗi khi được “chạm” vào mùa xuân trên đỉnh non cao này.
Bởi Thiên Cấm Sơn đón du khách đông nhất vào những ngày đầu năm nên dân trên núi cũng có cái Tết khác biệt. Với họ, Tết là dịp để tranh thủ nguồn thu khá nhất trong năm nên chẳng ai chịu ở nhà đón xuân. “Dân trên núi phải tranh thủ mấy ngày Tết để kiếm thu nhập nên họ tham gia chạy xe “ôm”, làm dịch vụ chụp ảnh hay buôn bán. Hầu như chúng tôi đều phải lo… phục vụ cho du khách ăn Tết nhưng chẳng ai buồn bởi nguồn thu cũng khá. Muốn ăn Tết chúng tôi phải đợi đến…chiều” - ông Trần Văn Phong, người dân sống lâu năm trên núi chia sẻ.
THANH TIẾN