Những việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

22/11/2018 - 06:46

 - Thiện nguyện không cần điều gì quá lớn lao, mà bắt nguồn từ những việc làm nhỏ, như: tủ bánh mì, bình nước uống, suất cơm miễn phí đến những bộ quần, áo cũ… để giúp đỡ và chia sẻ phần nào đó với những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Dọc theo các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không khó để bắt gặp những bình nước uống, tủ bánh mì miễn phí ven đường để giúp người lao động nghèo đỡ phần cơ cực trong những ngày mưu sinh. Không phải ai cũng có được may mắn làm việc trong môi trường thuận lợi. Số người dân lao động phải kiếm kế sinh nhai giữa cái nắng oi ả vẫn chiếm khá lớn. Họ thường là những người có thu nhập thấp, mỗi ngày phải tiêu tốn vài chục ngàn đồng cho việc ăn sáng và mua nước uống trở thành điều cực kỳ khó khăn.

Chứng kiến cảnh người nghèo mưu sinh vất vả như thế, nhiều tấm lòng tốt đặt các thùng nước miễn phí để mọi người thoải mái sử dụng. “Tôi cảm thấy rất vui vì nhìn thấy mọi người đến ăn bánh mì, uống nước. Tôi chỉ cố gắng làm việc nhỏ để giúp người nghèo…”- bà Lê Thị Bé (Châu Phú) chia sẻ.

Hớp ngụm nước vừa rót từ bình nước miễn phí, cơn khát dịu lại, chú Lê Văn Ô (xã Bình Hòa, Châu Thành) tâm sự: “Sáng nào, trước khi đi bán vé số, tôi đều trữ theo chai nước. Nhưng đến trưa là không còn giọt nào, tôi phải xin nước đổ vào chai ở những nhà ven đường, chứ không dám mua nước uống. Bây giờ, có mấy chỗ cho nước uống miễn phí đỡ phải lo”.

Nước uống và bánh mì miễn phí ven đường

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều quán cơm miễn phí ra đời ở các khu vực, như: bệnh viện, trường học, chợ, vùng sâu, vùng xa… Những bữa cơm không chỉ tiếp sức cho học sinh, người nghèo, lao động làm thuê giảm bớt gánh nặng mưu sinh trong cuộc sống, mà còn là nghĩa cử tương thân, tương ái của những người mang tấm lòng thiện nguyện.

Cô Trần Thị Huệ (60 tuổi, ngụ huyện Phú Tân) tâm sự: “Mặc dù phải thức khuya, dậy sớm để kịp những suất cơm sáng cho quán cơm chay miễn phí, nhưng tất cả anh, chị em tình nguyện đều cảm thấy rất vui, rất xứng đáng vì đã giúp đỡ được mọi người...”.

Những phần cơm chay nóng hổi với thực đơn đa dạng, thay đổi theo ngày, nhà ăn gọn gàng và vệ sinh, phục vụ vui vẻ, tận tình, những câu chào hỏi, những lời cảm ơn… Tất cả đã góp phần làm ấm lòng người đến nhận cơm, xóa dần khoảng cách giữa người cho và người nhận.

Trên tay cầm hộp cơm mới nhận từ quán cơm chay miễn phí đối diện Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, anh Nguyễn Văn Long (An Phú) chia sẻ: “Cơm chay ở đây rất ngon, các cô, chú trong quán cơm phục vụ nhiệt tình. Nhà xa, khó khăn, lại phải nuôi bệnh nên tốn rất nhiều chi phí. Nhờ có cơm miễn phí, tôi đỡ được khoản tiền ăn, uống cho bản thân”.

Nhiều sinh viên, học sinh đến với quán cơm chay miễn phí

Ngoài cơm miễn phí, quần, áo cũng được người dân san sẻ rất nhiều. Thay vì bỏ đi những bộ quần, áo cũ trong gia đình không còn sử dụng, người thừa đem đến cho người thiếu. Số lượng cho và nhận ngày càng nhiều, từ hoạt động của một số nhóm từ thiện, nhiều địa phương đã lập ra các “Cửa hàng 0 đồng” kết nối những tấm lòng gần nhau hơn.

“Mỗi lần gia đình sắp xếp quần, áo không còn sử dụng nữa, có nhiều quần, áo còn mới nhưng không biết cho ai, bỏ thì thấy tiếc nên cứ trữ mãi trong nhà từ ngày này qua năm nọ. Nhờ những địa chỉ tiếp nhận như thế này, mọi người có điều kiện san sẻ với nhau, bản thân tôi có thể góp phần giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”- chị Lê Thị Bích Tuyền (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) tâm sự.

Khuôn mặt rạng rỡ khi chọn được bộ quần, áo ưng ý cho con gái, chị Đặng Thị Nhàn (xã Lạc Quới, Tri Tôn) bộc bạch: “Những bộ quần, áo này còn rất mới. Nhờ có những cửa hàng quần, áo miễn phí này mà con gái tôi có đồ mới và tôi cũng tiết kiệm được số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày để trang trải cuộc sống”.

Những việc làm tuy đơn giản nhưng lại rất ý nghĩa. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu mọi người biết mang đến cho người khác sự sẻ chia, giúp đỡ dù chỉ là những việc giản đơn, bình dị.

TRỌNG TÍN