Trải nghiệm để yêu nghề

21/06/2018 - 07:31

 - Bước vào nghề báo, bất cứ phóng viên nào cũng trải qua không ít khó khăn từ quá trình “tập tành” làm quen cho đến việc tạo nên những đứa con tinh thần. Từ những vui, buồn, gian nan của câu chuyện mới vào nghề đã giúp người làm báo góp nhặt nên những kinh nghiệm, làm hành trang mang theo suốt chặng đường nghề.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: H.C – T.H

Khi vào nghề, những phóng viên trẻ đã được quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ được giao: “Nhận lãnh trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội trao gửi, người làm báo chính là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa và phải vững bước trên con đường mình đã chọn. Mỗi tác phẩm báo chí được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của quần chúng Nhân dân và hành vi của cộng đồng. Vì lẽ đó, những người làm báo phải nỗ lực để hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công”. Từ đó, chúng tôi bắt đầu công việc của người làm báo với mục đích tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phải luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang.

Giai đoạn đầu khi mới làm quen với công việc, những chuyến đi công tác đến các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa do chưa hiểu hết đặc điểm cơ sở, thiếu kinh nghiệm, vất vả và lạ lẫm… tôi cũng như những đồng nghiệp trẻ khác không tránh khỏi hoang mang, bỡ ngỡ và có đôi lần định bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn chưa hiểu hết sự dấn thân của nhà báo là như thế nào? Cho đến khi, một trong số những bài viết đầu tiên của mình tạo được hiệu ứng tốt, thu hút nhiều bạn đọc góp sức, giúp đỡ 2 em học sinh nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa ổn định cuộc sống và tiếp tục việc đến trường, tôi mới hiểu được rằng, viết báo có thể cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh nên đã quyết tâm làm nghề. Vượt qua những khó khăn ban đầu, bám trụ được với nghề và khi nghề trở thành “nghiệp” thì việc làm báo đối với chúng tôi không còn là sự vất vả, khắc nghiệt mà là những trải nghiệm mới, những cái “được” mà không phải nghề nào cũng có. Tuổi nghề tăng, người làm báo trở nên giàu có về vốn sống, kiến thức và các mối quan hệ xã hội…

Trải qua thời gian gắn bó với nghề, chúng tôi ý thức được Đảng, Nhà nước đã giao cho báo chí một sứ mệnh đặc biệt và thấy tự hào vì báo chí luôn đồng hành cùng dân tộc. Thời chiến, người làm báo là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Thời bình, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình, người làm báo đã góp phần xây dựng xã hội công bằng, phồn vinh. Có rất nhiều vấn đề lớn, những sự việc của xã hội được báo chí theo sát, phản ánh để cơ quan chức năng xem xét đưa ra được những quyết sách phù hợp. Người làm báo cũng chính là cầu nối đưa thông tin từ khắp mọi nơi đến với Nhân dân hoặc đấu tranh vì lẽ phải, phản biện đối với những mặt trái của xã hội. Và để làm một nhà báo chân chính, người làm báo phải đặt lương tâm, trách nhiệm lên hàng đầu. Ngòi bút phải gắn liền với đạo đức nghề nghiệp, phải khách quan, trung thực để hướng dẫn, cổ vũ dư luận, ủng hộ bảo vệ cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, góp phần đem lại công bằng cho xã hội.

5 năm gắn bó với nghề báo là khoảng thời gian chưa dài nhưng đã giúp tôi học được rất nhiều bài học về nghề báo từ thực tiễn công tác. Đó chính là hành trang giúp tôi tiếp tục đi, trải nghiệm để viết. Và trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, chúng tôi càng phải phấn đấu không ngừng nghỉ, nâng cao năng lực nghề nghiệp, rèn tính nhạy bén trước những vấn đề, sự kiện nóng của đời sống xã hội để tạo ra các tác phẩm báo chí có chất lượng, phản ánh hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

MỸ LINH