Trung Quốc chính thức bắt giữ và buộc tội cựu sếp Interpol

24/04/2019 - 19:54

Nhà chức trách Trung Quốc ngày 24-4 tuyên bố bắt giữ và buộc tội cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ vì tình nghi nhận hối lộ.

Theo hãng tin AP, tuyên bố của VKSND Tối cao Trung Quốc ngày 24-4 (giờ địa phương) này đồng nghĩa với việc cuộc điều tra đã hoàn tất và ông Mạnh sẽ được chuyển cho phía công tố viên xem xét, truy tố.

Hồi tháng trước, ông Mạnh bị khai trừ Đảng và bị tước tất cả chức vụ đang nắm giữ. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết một cuộc điều tra chỉ ra rằng ông Mạnh đã "vi phạm pháp luật nghiêm trọng". Ủy ban này cáo buộc cựu sếp Interpol lạm dụng quyền lực để thỏa mãn "lối sống xa hoa" của gia đình và coi thường các nguyên tắc của Đảng.

Ông Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AP

Ông Mạnh được bầu làm chủ tịch Interpol (trụ sở tại TP Lyon – Pháp) vào năm 2016. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 4 năm của ông đã bị rút ngắn sau khi ông bị Bắc Kinh tạm giữ trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông Mạnh còn nắm giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Vợ của ông Mạnh, bà Grace Meng, đã yêu cầu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận vấn đề của chồng mình với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Âu của ông hồi tháng trước.

Trong lá thư đề ngày 21-3 gửi tới Điện Elysee, bà Grace Meng hỏi chồng mình đang ở đâu và tình trạng như thế nào. Nhưng đến hiện tại, không có dấu hiệu cho thấy ông Macron và ông Tập nhắc đến trường hợp của ông Mạnh.

Vị cựu sếp Interpol có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành tư pháp, chịu trách nhiệm giám sát những vấn đề liên quan đến các tổ chức pháp lý, kiểm soát ma túy và chống khủng bố - theo trang web của Interpol. Vào tháng 7-2017, ông Mạnh đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của việc phá vỡ các mạng lưới tội phạm mạng.

Một số nhà ngoại giao cho rằng vai trò của chủ tịch Interpol phần lớn chỉ mang tính nghi thức do công việc hằng ngày được Tổng Thư ký Juergen Stock và thuộc cấp gánh vác.

Theo Người lao động