Lực lượng Công an phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cấp định danh điện tử cho các em học sinh. (Ảnh MINH NGỌC)
Khi việc cấp định danh điện tử hoàn thành sẽ giúp tiến tới một xã hội số thông minh mà ở đó người dân hoàn toàn có thể ngồi tại chỗ giải quyết thủ tục hành chính thông qua internet.
Bước chuyển đổi sang môi trường điện tử
Cuối tháng 4 vừa qua, Văn phòng Bộ Công an có thông báo gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện yêu cầu của lãnh đạo Bộ trong kết luận hội nghị ngày 28/4. Theo đó, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo phát động chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để cấp mã số định danh cho công dân có năm sinh 2004, 2007, phấn đấu đến trước ngày 4/5 bảo đảm tất cả công dân trong lứa tuổi 2004, 2007 (nếu dự thi) đều được cấp mã định danh để đăng ký dự thi trực tuyến các kỳ thi do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức năm 2022. Ðồng thời, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về việc thực hiện cam kết làm "đúng, đủ, sạch, sống" dữ liệu dân cư và trực tiếp chỉ đạo xem xét kiểm điểm những đơn vị, cá nhân không thực hiện mệnh lệnh công tác của Bộ.
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ ba thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ ba đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Người dân cũng có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,... Ngoài ra, tài khoản định danh điện tử giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…). Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử, triển khai đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Vì thế, việc đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử đang là vấn đề cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.
Làm cả đêm, làm không nghỉ lễ
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, công an trên khắp cả nước đã đồng loạt ra quân đến từng tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân, nhất là học sinh, tới cơ quan công an các cấp để đăng ký cấp định danh điện tử. Tại thành phố Hà Nội, nơi được chọn đi đầu triển khai cấp định danh điện tử, công an tại các quận, huyện đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Ðại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố đã tập trung lực lượng, không nghỉ lễ 30/4, 1/5, phục vụ nhân dân làm căn cước công dân gắn chíp, định danh và xác thực điện tử cho công dân, nhất là đối tượng sinh năm 2004 và 2007 để các em đăng ký tuyển sinh trực tuyến theo phần mềm của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Vì mục tiêu 100% số công dân sinh năm 2004 và 2007 đều được cấp mã định danh, công an các quận, huyện, thị xã đã làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ với tinh thần "chạy đua với thời gian".
Ghi nhận thực tế tại các công an phường, xã ở Hà Nội như: Kim Mã (quận Ba Ðình), Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Phương Trung (huyện Thanh Oai) các cán bộ, chiến sĩ đều huy động lực lượng luân phiên nhau tiếp đón người dân đến đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Thiếu tá Nguyễn Anh Ðức, Ðội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Ba Ðình cho biết, đơn vị đã phối hợp Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận rà soát, lập danh sách học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên, giáo viên, công nhân viên làm việc tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn, chú trọng vào số học sinh đang học lớp 9, lớp 12 để cấp căn cước công dân gắn chíp và cấp, xác nhận tài khoản định danh điện tử, giúp các em thuận tiện hơn trong đăng ký tuyển sinh... Tại quận Hoàn Kiếm, Công an quận đã tổ chức xe đưa đón gần 1.400 học sinh từ trường học đến điểm đăng ký cấp mã định danh để giúp các em rút ngắn thời gian đi lại, đồng thời tăng hiệu quả công việc.
Tương tự như Hà Nội, tại tỉnh Quảng Ninh, nơi được Bộ Công an cho phép triển khai thí điểm cấp tài khoản định danh điện tử, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai lực lượng để bảo đảm đúng tiến độ trong việc cấp định danh điện tử. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an tỉnh đã phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thành lập đoàn để hướng dẫn cho công an 13 địa phương thực hiện triển khai việc cấp số định danh điện tử cho công dân. Khi công dân đến cơ quan nơi làm các thủ tục cấp đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chíp đều có thể thực hiện việc đăng ký cấp tài khoản định danh và mang thêm các loại giấy tờ, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đối chiếu và cập nhật một loạt và sau đó không phải cập nhật nữa. Theo Bộ Công an, với mục tiêu đưa các dịch vụ công thực hiện trên môi trường số thông qua tài khoản định danh điện tử, hiện nay, mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, hoặc đã có căn cước công dân gắn chíp đều được miễn phí khi đến làm thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử.
Theo LÊ TÚ (Nhân Dân)