“Bông hoa” chính trực của ngành thuế

15/03/2023 - 08:19

 - Ở nhiều vai trò, từ cán bộ ở đơn vị, người mẹ trong gia đình, cho đến “người tốt, việc tốt” được địa phương tri ân, chị Hồ Thị Bích Ngân (Phó Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ, Trưởng ban Nữ công Công đoàn cơ sở Cục Thuế tỉnh An Giang) luôn kiên định ý chí: Việc nào cũng làm hết mình. Ngay trong giao tiếp, người đối diện có thể cảm nhận rõ sự “hết mình” ấy, khi chị không nói về những khó khăn đã trải qua, mà dành tâm trí cho những ý tưởng, nguyện vọng mới để không ngừng góp sức vì tập thể, vì cộng đồng.

Bản lĩnh và yêu nghề

Ngành thuế là một ngành phức tạp, tế nhị, nên mỗi cá nhân luôn thể hiện sự chính trực, tận tâm để vượt qua định kiến của người dân và doanh nghiệp. Là phụ nữ, đứng trong một ngành nghề nguyên tắc và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, chị Ngân xác định bản thân phải nỗ lực và đầu tư thời gian nhiều hơn. Chị rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức để vận dụng phù hợp vào thực tế. Trải qua những tình huống, vụ việc, chị đã nghiệm ra phải biết kiên nhẫn, chịu khó, linh động và quan trọng không được thoái chí, cố gắng hết khả năng có thể.

Năm 2022, chị Ngân được phân công trực tiếp làm trưởng đoàn thực hiện 7 cuộc kiểm tra nội bộ. Qua nghiên cứu đã phát hiện các sai phạm trong tổ chức thực thi công vụ của công chức và kiến nghị thủ trưởng đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân.

Thủ trưởng đơn vị tiếp tục giao chị làm trưởng đoàn xác minh giải quyết 10 đơn tố cáo và 7 đơn khiếu nại, phản ánh. Bằng sự công tâm trong quá trình điều tra, có 9 trường hợp tố cáo sai đã được chị minh oan cho công chức. Còn lại, 1 trường hợp giải quyết tố cáo đúng, đã báo cáo lãnh đạo chấn chỉnh và xử lý kỷ luật 2 công chức có biểu hiện sai phạm bị phản ảnh. Kết luận tố cáo được công khai và niêm yết,  góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của ngành.

Trong chuyên môn, chị đã góp 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Cục Thuế công nhận. Ý tưởng “Số hóa hồ sơ kiểm tra nội bộ, hồ sơ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo bằng điện thoại thông minh” lóe lên khi chị quan sát sau mỗi cuộc kiểm tra nội bộ, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo… phát sinh rất nhiều hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập. Số hồ sơ này được đưa vào kho lưu trữ theo quy định của cơ quan. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra nội bộ hoặc giải quyết đơn, việc tham khảo, rà soát, đối chiếu mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.

Thay vào đó, tất cả hồ sơ hiện nay được số hóa để lưu trữ trên máy tính trước khi đưa vào lưu kho. Tận dụng trang thiết bị sẵn có để thực hiện, ý tưởng của chị giúp tiết kiệm được thời gian tra cứu, chi phí trang bị máy quét chuyên dụng đắt tiền, linh động mọi lúc, mọi nơi. Với những hồ sơ có tính pháp lý cao sẽ được bảo quản tốt, hạn chế xáo trộn gây thất lạc, mất mát, bị rách...

Trước đó, chị Ngân còn thực hiện sáng kiến kiểm tra nội bộ bằng phương thức điện tử. Do hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, chị đã đề xuất đơn vị chuyển đổi phương thức kiểm tra trực tiếp bằng phương thức điện tử. Giải pháp này đã tạo thuận lợi, không ảnh hưởng đến thời gian công tác thường xuyên của đơn vị được kiểm tra. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, xử lý công việc linh hoạt cho đơn vị thực hiện kiểm tra.

Gắn kết tấm lòng nhân ái

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cả xã hội chung tay chia sẻ với người dân gặp khó khăn. Không đứng ngoài cuộc, chị Ngân cũng góp sức bằng cách vận động hàng xóm mở bếp ăn từ thiện, cung cấp các bữa cơm suốt thời gian dài cho người dân trong khu cách ly. Hậu COVID-19, người dân lại đối mặt với khó khăn về kinh tế, đời sống. Một lần nữa, chị Ngân khởi tâm thực hiện các chương trình thiện nguyện và đến nay vẫn duy trì thường xuyên.

Vừa tự nguyện đóng góp, chị vừa phát động cán bộ, công chức ngành thuế góp kinh phí giúp đỡ 34 công chức trong ngành đang mắc bệnh nan y. Cùng với đó, chị tổ chức chương trình thiện nguyện “Mang yêu thương đến cộng đồng”, “Kết nối vòng tay nhân ái”, phát quà cho hơn 1.100 hộ nghèo, trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các huyện: Châu Thành, Tri Tôn, An Phú. Mỗi hoạt động, chương trình nhận được sự đóng góp các tấm lòng hảo tâm từ 100 – 150 triệu đồng.

Tháng 2/2023, chị Ngân tham mưu thủ trưởng đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vận động cán bộ, công chức ngành, nhà hảo tâm đưa chương trình “Kết nối vòng tay nhân ái” đến tỉnh Lai Châu. Vượt hàng ngàn cây số, đoàn dừng chân tại xã Nậm Hăn - xã cách xa trung tâm nhất và đặc biệt khó khăn, với số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 60%. Chương trình đã trao tặng 706 suất quà gồm gạo, gia vị, áo ấm, dầu thảo dược cho các hộ nghèo và 1.000 quyển tập cho học sinh.

“Nhóm của tôi đang lên lịch chuẩn bị vài tháng tới sẽ đến huyện biên giới Tịnh Biên tặng quà cho người nghèo của 13 xã. Một năm, tùy theo điều kiện, bạn bè hợp sức nhiều thì tổ chức chương trình quy mô, tài chính ít hơn thì xây dựng chương trình nhỏ. Nhóm vẫn cố gắng duy trì thực hiện từ 3-4 chương trình đi phát quà kết hợp khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân các xã vùng sâu vùng xa và khó khăn” – chị Ngân thông tin.

Luôn cố gắng không ngừng

Là mẹ đơn thân, để vun vén cho tổ ấm của riêng mình, vừa chăm lo việc nhà, chị Ngân cố gắng không ngừng để làm gương cho các con. Đến nay, chị tự hào khi con trai lớn tốt nghiệp đại học, con gái nhỏ cũng nối bước vào giảng đường. Vốn sống cùng với kỹ năng ứng xử khéo léo giúp chị trở thành người bạn thân thiện của các đồng nghiệp nữ trong đơn vị. Cục Thuế An Giang hiện có 68 lao động nữ. Vai trò là Trưởng Ban nữ công, chị Ngân càng tâm lý hơn trong cách quan tâm, chăm lo cho các chị em.

Chị để ý đồng nghiệp từ những khoảnh khắc, dòng tâm sự trên mạng xã hội, đến giây phút làm việc cùng nhau, tiếp xúc gần gũi, “lôi kéo” các chị hòa mình vào hoạt động tập thể… Chị lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với những người đang có hoàn cảnh và giúp đỡ đúng lúc, động viên xây dựng cùng tiến bộ… Các phong trào văn hóa, thể thao của đơn vị nhờ đó ngày càng phát triển, được công đoàn cấp trên đánh giá cao và là đơn vị “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhiều năm liền.

Để cân bằng khối lượng công việc tại cơ quan, gia đình, xã hội là một kỹ năng tinh tế. Nói thì dễ, nhưng phía sau là cả một quá trình cố gắng không ngừng. Bên cạnh chuyên môn, chị Ngân còn đầu tư thời gian nghiên cứu về Bác Hồ để rèn “nội lực” cho bản thân.

“Những đức tính tôi học Bác và vận dụng vào công việc, cuộc sống là sự giản dị, tiết kiệm, kiên nhẫn, đoàn kết và chan hòa tình yêu thương với mọi người. Đặc biệt, đức tính tôi tâm đắc nhất ở Người là “Nói đi đôi với làm”, “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Chính ở điểm này, đồng nghiệp đều nhận xét chung về chị Ngân là một người đôi lúc lặng lẽ, ít nói nhưng mọi hành động, việc làm đều mang ý nghĩa rất sâu sắc.

MỸ HẠNH