“Chi viện” cho biên cương

07/01/2021 - 04:18

 - Cuối năm, con nước trĩu nặng đã rút hết, thay vào đó là cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Mùa nước nổi rời đi, các đoạn đường mòn lộ diện trở lại, in đầy dấu chân người. Nếu so với việc kiểm soát đường biên giới “mênh mông biển nước” hôm trước, thì quá trình kiểm soát đường mòn, lối mở lại gặp những khó khăn riêng. Về biên giới thời điểm này, mới cảm nhận sâu sắc những nỗ lực ngày đêm của lực lượng làm nhiệm vụ, vượt qua bao áp lực chồng chất để giữ vững “cửa ngõ” vùng biên.

Cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân vùng biên

Với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, kênh, rạch qua biên giới, việc thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phòng, chống tội phạm đè nặng áp lực lên lực lượng chức năng An Giang. Trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, thì hoạt động của các loại tội phạm (ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới) có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, tác động trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Từ tháng 3-2020 đến nay, gần 1.000 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới An Giang bị phát hiện, bắt giữ, xử lý (168 đối tượng xuất cảnh, 734 đối tượng nhập cảnh). Trong số đó, cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 7 vụ, liên quan 8 bị can về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” và “Vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép”. Điển hình như ngày 26-12-2020, Tòa án nhân dân huyện An Phú tổ chức xét xử lưu động tại thị trấn Long Bình và xã Quốc Thái đối với 4 bị cáo.

Theo đó, các bị cáo: Bùi Thị Tuyết Phương (sinh năm 1999, ngụ phường 2, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) nhận mức án 9 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép”; Lê Thành Nhân (sinh năm 1989, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) 6 năm tù giam, Nguyễn Thị So Banh (sinh năm 1989, ngụ xã Quốc Thái, An Phú) nhận 1 năm 6 tháng tù giam, Lê Thị Nguyệt (sinh năm 1992, ngụ xã Quốc Thái) nhận 1 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”. Các mức án nghiêm minh cho thấy sự quyết liệt xử lý của nhà nước, góp phần răn đe, hạn chế loại tội phạm này.

Trong chuyến công tác tại An Giang cuối tháng 12-2020, thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) khẳng định, Bộ Tư lệnh rất chia sẻ những áp lực, vất vả, gian khổ của lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Tất cả đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Đó là điều rất đáng được ghi nhận, biểu dương, cần được phát huy hơn nữa.

“Ngoài các biện pháp quản lý, kiểm soát đường biên, lực lượng biên phòng các tỉnh cần đẩy mạnh quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị tăng cường trách nhiệm bám chốt, phòng chống dịch bệnh; đề xuất phương án với lãnh đạo tỉnh, phối hợp cùng các lực lượng khác tăng cường nhân sự cùng đồng hành trách nhiệm giữ gìn biên giới, đảm bảo an ninh trật tự khu vực… theo các quy định hiện hành” - thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương đề nghị.

Đứng chân trên địa bàn TX. Tân Châu, là một trong 5 địa bàn trọng điểm của tỉnh An Giang về phòng, chống người xuất, nhập cảnh trái phép, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương gặp áp lực rất lớn. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đồn hiện duy trì 13 tổ, chốt (9 tổ, chốt cố định, 4 tổ tuần tra kiểm soát cơ động trên bộ, trên sông), cả trăm CBCS thay phiên nhau làm nhiệm vụ 24/24 giờ.

Ngày 28-12-2020, đơn vị tiếp tục nhận thêm 15 CBCS thuộc BĐBP các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Trường Trung cấp Biên phòng 2 để tăng cường quân số trên tuyến biên giới TX.  Tân Châu. Theo ý kiến của Chủ tịch UBND thị xã, đơn vị đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang đề nghị tăng thêm 10 đồng chí dân quân tự vệ của thị xã, khép kín biên giới phòng, chống dịch bệnh.

Để chuẩn bị cho “trường kỳ kháng chiến” chống COVID-19, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có công văn đề nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường gần 200 CBCS (công an, dân quân) cho các đồn biên phòng tuyến biên giới để bố trí ở các chốt. UBND tỉnh đã thống nhất bổ sung lực lượng công an, quân sự (chọn người có năng lực, kinh nghiệm trong công tác kiểm soát biên giới) theo đề nghị này.

Muốn chống dịch thành công, rất cần sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và tai mắt giám sát của người dân. Ông Ngô Thái Bạch (71 tuổi, ngụ ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, An Phú) chia sẻ: “Ban ngày hay ban đêm, tôi cũng thấy lực lượng chức năng vất vả làm nhiệm vụ. Bà con trong xóm hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh, nên tự giác nâng cao ý thức phòng tránh. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù, mà lại gieo mầm mống bệnh tật vào xóm làng của mình. Thấy người lạ lảng vảng là chúng tôi thông báo liền”.

“Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. “UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới ý thức phòng, chống tội phạm, ý thức phòng chống dịch bệnh, ý thức tố giác người qua lại biên giới trái phép phải trở thành thường xuyên, phải trở thành ý thức tự giác của người dân ở vùng biên. Ngược lại, chính quyền và mặt trận, đoàn thể cũng phải đảm bảo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên, trước mắt là đảm bảo cho nhân dân nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn được chăm lo đầy đủ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

GIA KHÁNH