“Cuộc chiến” 336 giờ - Kỳ cuối: Chia tay những “chiến binh” quả cảm

27/03/2020 - 06:43

 - Đêm thứ 13, chẳng ai nỡ ngủ. Mọi người dọn cái này, dẹp cái kia, kiểm tra lại một lần nữa xem có bỏ sót món đồ nào không. Họ bận rộn nghe điện thoại của người thân, bạn bè, chốt thời gian đến đón. Chúng tôi cũng vậy, thu dọn gọn gàng hành trang, chuẩn bị trở về nhà sau thời gian dài đi công tác. Bóng tối đặc quánh bởi tiếng trở mình mông lung.

Nếu là ngày bình thường, có bạn ngủ thẳng giấc đến 8-9 giờ vẫn chưa thức. Vậy mà từ 5 giờ sáng 19-3, mọi người lục đục thức dậy, bước chân cuống quýt cả lên. Giường chiếu, phòng ốc được dọn gọn gàng, giống như hôm vào nhận phòng. 6 giờ, tất cả tranh thủ đem đồ ra xe. Người thì đăng ký đi bến xe Long Xuyên, người thì đến bến xe Cần Thơ, người thì sân bay Cần Thơ. Giờ phút này, họ có thể lựa chọn hành trình trở về nhà theo nhu cầu, không còn bị động nữa.

Đúng 7 giờ 30 phút, tất cả mọi khâu sắp xếp hành lý đã xong. Mọi người tề tựu đông đủ trong sân Trường Quân sự tỉnh. Lần đầu tiên họ dừng chân ở khu vực này, là để làm thủ tục cách ly. Lần thứ hai (và có lẽ không ai có lần thứ ba), họ được làm thủ tục hoàn tất quá trình cách ly, cũng ở vị trí này. Nhưng hôm trước, họ đến khi đã tối trời, trong tâm trạng lo lắng, hoang mang. Hôm nay, họ được nhìn thấy bình minh, nhìn thấy những tia nắng xuyên qua kẽ lá, lòng tràn ngập vui sướng khi sắp được trở về nhà. Họ ôm lấy nhau, chụp ảnh lưu niệm cùng nhau, dặn dò nhau giữ mối liên hệ, để về sau còn ôn lại kỷ niệm đáng nhớ của 14 ngày. Một bạn nam cẩn thận cởi nón trên đầu, đứng nghiêm trang, tay giơ lên chào quốc kỳ, chụp bức ảnh lưu niệm đúng chất “thanh niên nghiêm túc”. Trong lòng bạn, chẳng nơi nào đẹp hơn và tình nghĩa hơn quê hương Việt Nam, chẳng màu sắc nào tươi đẹp bằng cờ đỏ sao vàng và màu áo xanh bộ đội!

Chị H. chuẩn bị hành lý trở về nhà sau 14 ngày cách ly

Kiểm tra kỹ thông tin trên giấy xác nhận hoàn thành cách ly

Đại diện 233 người hoàn thành đợt cách ly, bạn Nguyễn Thị Thanh H. (sinh năm 2001, quê ở Hà Nội), chia sẻ: “Mới vào khu cách ly tập trung, chúng tôi đều bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng khi sống và sinh hoạt trong môi trường hoàn toàn mới lạ. Nhưng với sự quan tâm, chăm sóc đầy trách nhiệm của những cán bộ, chiến sĩ tại đây, tình cảm quân – dân, chúng tôi đã cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua thời gian này. Bằng tất cả tấm lòng, chúng tôi sẽ mãi mãi khắc ghi những tình cảm sâu sắc, chân thành, nồng ấm mà các anh “Bộ đội cụ Hồ” và tất cả mọi người đã dành tặng. Đó là những kỷ niệm khó quên, là động lực để chúng tôi tiếp tục cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới”. Giữa 233 người đến từ 43 tỉnh, thành phố và 3 quốc gia, mối liên hệ duy nhất là về Việt Nam cùng chuyến bay, trải qua 14 ngày tại Trường Quân sự tỉnh An Giang. Thời gian chẳng dài nhưng lại đặc biệt đậm sâu. Có lẽ, sau này chẳng ai có dịp gặp lại nhau vì cách xa địa lý. Giọng nói, gương mặt, tên tuổi, tính cách của họ sẽ mờ dần trong trí nhớ. Chỉ duy nhất tình cảm yêu thương, gắn bó này sẽ tồn tại một góc riêng trong tim, khó có thể phai nhòa.

Chụp ảnh dưới quốc kỳ bằng tất cả niềm tự hào

Những cái ôm thắm tình đồng bào

Trao đổi thông tin liên lạc trước khi chia tay nhau

Những người xúc động nhất trong giây phút chia tay là “chị bầu” H., cô gái xa quê Ngọc D., bạn Q. (được tổ chức sinh nhật)… Họ ôm chầm cán bộ chiến sĩ, đôi mắt đỏ hoe. Mấy cô lớn tuổi dịu giọng: “Phải chi bộ đội cho phép, tôi ở lại giúp một tay. Mai mốt tiếp nhận thêm người được cách ly mới, mấy chú cực thêm 14 ngày nữa…”. Xe lăn bánh trong quyến luyến, trong bịn rịn, chất đầy những cánh tay vẫy chào, những nụ cười từ biệt. Một anh chiến sĩ không cầm được xúc động, lặng lẽ kéo nón che khuất đôi mắt ướt. Chúng tôi quay mặt đi, giả vờ không nhìn thấy, chợt nghe mắt mình cay cay.

Chiều hôm ấy, tôi tình cờ nhìn thấy những chia sẻ của bạn Bùi Thị Nhung (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Hòa Bình) trên một trang mạng xã hội. Bạn chia sẻ rất nhiều tình cảm và hình ảnh về 14 ngày cách ly tại đây. Đoạn cuối, bạn viết: “Thật sự cuộc sống ở Hàn làm, học như một guồng quay mệt mỏi không có ngày nghỉ, thì 14 ngày cách ly không hề đáng sợ, được quen những người bạn mới, được nghỉ ngơi thật sự, có thời gian nghĩ về những chuyện đã qua và viết lên những kế hoạch cho tương lai… 14 ngày không phải quá dài, nhưng để theo dõi, chăm sóc sức khỏe, hậu cần ăn uống sinh hoạt cho hơn 200 người quả không hề dễ dàng. Cảm ơn Đảng và nhà nước, cảm ơn các anh bộ đội ở Trường Quân sự An Giang. Mình và các bạn của mình đều tin Việt Nam sẽ thắng dịch Covid -19 nhanh chóng thôi. Tôi yêu Việt Nam”. Bài viết của bạn được lan tỏa rất tích cực, giúp mọi người hiểu rõ hơn về công tác cách ly tập trung của Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng.

“Chúc mọi người về nhà bình an!”

Lưu luyến chia tay dẫu xe đã lăn bánh

Tôi đã kết thúc 14 ngày công tác “lạ lùng” nhất trong quá trình làm báo của mình, tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều bạn bè, người quen xa gần gửi lời động viên, khích lệ tinh thần, thật sự đã giúp tôi “lên dây cót”, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Khi độc giả đọc phóng sự này, có lẽ tôi đang tham gia tác nghiệp ở một nơi cách ly khác. Có thể, tôi sẽ lại có 14 ngày cách ly, với những câu chuyện mới cũng thú vị và nhân văn không kém. Tuy nhiên, 336 giờ ở Trường Quân sự tỉnh, từ ngày 5-3-2020 đến 19-3-2020 là một trải nghiệm đặc biệt sâu sắc với riêng tôi. Tôi đồng ý với Nhung, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi, miễn tất cả chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực, một ý chí, một tấm lòng. Mỗi người, chỉ cần vượt qua 336 giờ khi cần thiết, là đã trở thành một “chiến binh” quả cảm trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH