Vùng đất đặc thù
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. ĐBSCL hiện có trên 17,2 triệu người (chiếm 18% dân số cả nước), diện tích tự nhiên trên 40.600km2 (chiếm 12% diện tích tự nhiên cả nước). Đây là trung tâm sản xuất lớn nhất của cả nước về nông nghiệp và kinh tế biển, đóng góp hơn 56% sản lượng lương thực, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu, 70% trái cây của cả nước; cùng nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, đảo, năng lượng mới…
Dù có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, nhưng theo TS Hoàng Văn Khải (Học viện Chính trị khu vực IV), kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. So với các vùng khác thì ĐBSCL là nơi có kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ít được thụ hưởng về an sinh xã hội. Tình trạng ly nông, ly hương vì cuộc sống bấp bênh khá phổ biến, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giáo dục nhiều bất cập. Đây còn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng lớn nhất Việt Nam.
Kinh tế sông có nhiều tiềm năng phát triển
“Một trong những nguyên nhân của hạn chế là do nguồn nước, các dòng sông ở ĐBSCL đang biến đổi tiêu cực. Vấn đề kinh tế sông chưa được quan tâm, những dòng sông chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả các con sông, phát triển kinh tế sông, hay “đánh thức” các con sông hiện có, chính là “đánh thức” tiềm năng, lợi thế tự nhiên khác biệt của vùng. Đó thực sự là một mảng tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí bị bỏ quên” - TS Hoàng Văn Khải đánh giá.
ĐBSCL dù có hệ thống sông ngòi lớn nhưng tồn tại nhiều “nút thắt” về hạ tầng luồng tuyến. Những tuyến kênh huyết mạch như Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) nhiều năm qua khi thủy triều xuống, tàu tải trọng lớn không thể di chuyển an toàn, dẫn đến ùn ứ.
Trong khi đó, một số tuyến kênh ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau rất nhỏ, sà lan trên 200 tấn phải chờ nước lớn mới vào lấy hàng được. Có một thực tế là hệ thống cảng, bến bốc dỡ hàng hóa ở ĐBSCL nhỏ, không gian làm hàng hẹp, trang bị lạc hậu, không có đường đồng cấp kết nối cao tốc, quốc lộ, khu công nghiệp nên hiệu quả khai thác còn hạn chế.
Tiềm năng phát triển lớn
ĐBSCL là miền sông nước, xứ miệt vườn, cây trái quanh năm, nơi trĩu nặng vựa lúa, vựa cá, tôm. Văn hóa sông nước góp phần hình thành nên tính cách con người miền Tây chân tình, thẳng thắn, mến khách, cần cù lao động, hào sảng, bao dung; có nhiều hoạt động sản xuất gắn với sông nước. Các thành phố lớn vùng ĐBSCL đều hình thành giang cảng, bến tàu sông để đáp ứng việc trao đổi hành khách, hàng hóa.
Trong 28.600km sông, kênh, rạch của vùng, có khoảng 13.000km có khả năng khai thác vận tải (sâu trên 1m). ĐBSCL hiện có khoảng 5.000km đường sông có thể khai thác vận tải tàu từ 100 tấn trở lên quanh năm; hơn 10.000km đường sông thích hợp cho tàu từ 30 tấn trở xuống.
Nhờ lượng mưa tương đối cao quanh lưu vực sông Mekong và dòng chảy lớn, vùng ĐBSCL nhận được lượng tài nguyên nước ngọt trên mặt đất rất lớn, xấp xỉ 450-475 tỷ m3 nước/năm, chiếm hơn một nửa tổng lượng nước mặt của cả Việt Nam (830-840 tỷ m3/năm). “Sông miền Tây cũng là sông “hiền”, ít mưa bão, thủy triều lên xuống thuận lợi cho vận tải hàng hóa. Giao thông đường thủy là loại hình giao thông ít hao mòn, có thể giảm thiểu phần nào ô nhiễm môi trường” - ông Khải nhận xét.
Ông Hoàng Văn Khải cũng cho rằng, việc phát triển kinh tế sông có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Điều này phù hợp với định hướng của Trung ương khi Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết 13/NQ-TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều có đề cập đến nội dung phát triển kinh tế sông.
Phát triển kinh tế sông chính là tạo cơ hội tiếp tục phát huy mạnh mẽ nguồn lực về con người, tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, nơi có hơn 3,2 triệu ha đất nông nghiệp/4 triệu ha diện tích tự nhiên. Để “đánh thức” kinh tế sông, cần quan tâm đến những thách thức, hạn chế của vùng. Trong đó, cần có giải pháp ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm gây sụt lún đất; khai thác kinh tế sông phải đi kèm với bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường…
“Các con sông đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL không chỉ có nước, nó còn là văn hóa, sinh kế, quốc phòng - an ninh, sự tồn vong của cả vùng đồng bằng trù phú. Các địa phương cần có kế hoạch, chiến lược và kêu gọi đầu tư, thay đổi nhận thức của các chủ thể, nhất là người dân, nhằm tận dụng hơn nữa lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, giao thông, hệ thống logistics đường sông và du lịch (DL) trên sông, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường gắn với đặc thù của từng địa phương” - TS Hoàng Văn Khải nhấn mạnh.
DL sông nước là lợi thế lớn của vùng ĐBSCL nhưng khai thác chưa tương xứng. Khoảng 90% du khách về miền Tây chọn tour liên quan đến sông, mong muốn được trải nghiệm văn hóa sông nước, chợ nổi, vườn cây ăn trái… nhưng tính liên kết khai thác còn rời rạc, chưa thật sự hấp dẫn.
“Nhìn ra thế giới, có thể thấy Thái Lan đã phát triển chợ nổi theo mô hình DL cộng đồng, khôi phục nhiều ngành nghề, làng mạc, DL gắn với sông, thu về nguồn lợi lớn. Ở ĐBSCL, một số mô hình khai thác nguồn lợi từ sông, giao thông đường thủy, DL sông nước bước đầu có hiệu quả, cần được nghiên cứu, phát huy. Đó sẽ là hy vọng cho một tương lai phát triển nhanh, bền vững của vùng ĐBSCL” - TS Hoàng Văn Khải gợi ý.
NGÔ CHUẨN